Doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc giảm 22,9% doanh thu trong 2 tháng đầu năm 2023
Việc giới chức Trung Quốc chính thức bỏ đi các biện pháp kiểm soát COVID-19 đã tạo ra nhiều kỳ vọng về khả năng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ hồi phục mạnh. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp Herbert Lun không thấy tình hình thực tế lạc quan như vậy. Đó cũng là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp sản xuất khác tại Trung Quốc, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Theo đó, công ty chuyên sản xuất các thiết bị làm đẹp của ông Lun ở Thâm Quyến đang đương đầu với tình trạng số lượng đơn đặt hàng tại châu Âu giảm sâu bởi nhu cầu nội địa của các thị trường này đi xuống.
“Số lượng đơn đặt hàng đã giảm đi nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi nhận thấy quá trình phục hồi trong ngành của chúng tôi diễn ra rất chậm chạp”, ông Lun nhấn mạnh.
Trong khi sản lượng các nhà máy tại Trung Quốc và chi tiêu tiêu dùng đã tăng trong những tháng gần đây sau khi chính quyền Bắc Kinh ngừng áp dụng chính sách không COVID-19 vào cuối năm ngoái, xuất khẩu yếu và nhiều chỉ báo khác cho thấy quá trình phục hồi không ổn định.
Trong tuần này, số liệu thống kê chính thức cho thấy lợi nhuận tại các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc với doanh thu hàng năm ít nhất khoảng 20 triệu nhân dân tệ tức 2,9 triệu USD giảm đến 22,9% trong 2 tháng đầu năm 2023. Trong ngày thứ Sáu, chỉ số của ngành sản xuất Trung Quốc cho thấy ngành sản xuất chững lại trong tháng 3/2023 sau khi chạm ngưỡng cao nhất trong nhiều năm vào tháng 2/2023.
Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng. Mới đây, chính phủ Trung Quốc cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ước tính khoảng 5% trong năm 2023, cao hơn so với con số 3% của năm ngoái vốn là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Tuần vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã khiến cho thị trường ngạc nhiên bằng cách hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng với các ngân hàng thương mại với hy vọng sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng.
Hiện cũng đang có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đưa ra chính sách mềm mỏng hơn với các doanh nghiệp tư nhân sau hơn 1 năm siết chặt kiểm soát với ngành công nghệ bởi chính quyền cố gắng đảo chiều đà suy giảm của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo mới công bố gần đây, Citi Research cảnh báo không nên quá lạc quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc.
“Quá trình phục hồi kinh tế trong năm nay sẽ định hướng dịch vụ, hàng hóa sẽ nhận được cú huých quan trọng, ngoài ra phải kể đến lợi nhuận trong ngành công nghiệp”, theo chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Citi Reseach - ông Xiangrong Yu.
Trong năm 2022, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc cũng chững lại chỉ còn khoảng 7 tỷ USD, chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình của 5 năm trước, theo báo cáo của Gavekal Dragonomics.
Việc đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có vụ việc liên quan đến khinh khí cầu trong thời gian gần đây và việc Mỹ muốn cấm TikTok.
Kết quả khảo sát gần đây của công ty tư vấn Xiangrong Yu trụ sở tại Mỹ thực hiện với hàng trăm CEO của doanh nghiệp Trung Quốc đã cho thấy triển vọng bi quan, 77% các nhà điều hành cao cấp dự báo về khả năng kinh tế sẽ đi xuống trong vòng hơn 1 năm. Khoảng 43% đang dự báo về khả năng sẽ phải sa thải bớt nhân viên hoặc tạm thời không tuyển dụng.
Để phòng vệ ngăn khả năng suy thoái kinh tế, những người tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch xây dựng dự trữ tiền mặt và tạm thời chưa mở rộng đối tượng các nhà cung cấp.