Doanh nghiệp ngành gỗ những tháng cuối năm: Cơ hội đi kèm với thách thức
Ảnh minh họa |
Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,38 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước và tăng 22,7% so với tháng 7/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 981,1 triệu USD, tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 30,4% so với tháng 6/2023.
Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,9 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ.
Top các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt giá trị cao nhất, gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Anh…phần lớn đều tăng trưởng khả quan, chỉ riêng thị trường Hàn Quốc ghi nhận sụt giảm nhẹ.
Trong đó, dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ với giá trị xuất khẩu đạt 4,9 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ, tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, tăng 39,1%, thị trường Nhật Bản đạt 961,3 triệu USD, tăng nhẹ 1,5%, thị trường Canada đạt 133,4 triệu USD, tăng 25,2% và Anh Quốc đạt 124,84 triệu USD, tăng 17,9%. Chỉ riêng thị trường Hàn Quốc giảm 2,1%, đạt 452,06 triêu USD.
“Xu hướng thị trường tích cực sẽ thúc đẩy ngành gỗ có khả năng đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra là 17,5 tỷ USD trong năm 2024, bởi những tháng cuối năm có nhiều thuận lợi hơn, khi nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại các thị trường lớn tăng đáng kể để đáp ứng cho mùa lễ hội và thị trường nhà ở hoàn thiện cuối năm”, báo cáo của Cục XNK nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng của ngành gỗ dự báo còn nhiều khó khăn bởi những nguyên nhân như: tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa có chiều hướng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp; giá cước vận tải biển tăng cao, Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, các quy định chống mất rừng của EU (EUDR). Hiện Việt Nam có ba mặt hàng quan trọng xuất khẩu vào EU là cà phê, gỗ và cao su đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của EUDR. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ba mặt hàng này vào EU mỗi năm trên 2,5 tỷ USD.