Đoàn ĐBQH An Giang: Quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri
Báo cáo với cử tri về kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, ông Phan Huỳnh Sơn - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang - cho biết, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng nhằm sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.
Nhiều vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm
Theo ông Sơn, qua việc đánh giá cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực. Các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ để ra, GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh đuợc giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đối mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng đuợc nâng cao.
Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tiếp xúc cử tri tại huyện Châu Phú, An Giang.
Ông Sơn cũng thông tin tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Qua đó cho thấy, các nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã đuợc thực hiện và mang lại nhưng kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đuợc cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các Bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đánh giá cao trách nhiệm của các vị đại biểu, các cơ quan của Quốc hội trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội…
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã có nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề “nóng” liên quan đến hạ tầng giao thông; chính sách cho người có công; cơ chế dành cho cán bộ cấp xã, phường; tình hình an ninh trật tự; tình trạng buôn lậu; ý kiến về nông nghiệp - nông thôn, giá cả vật tư phân bón cao; phân bón giả còn diễn ra phức tạp, “điệp khúc” được mùa - rớt giá của bà con nông dân. Đặc biệt, cử tri cũng quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục, tình trạng ô nhiễm môi trường rác thải nhựa - túi nilong, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom, xử lý triệt để; một số bộ phim truyền hình phản cảm, thiếu tính giáo dục...
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri gửi lời cảm ơn sự Chính phủ từ việc quan tâm hỗ trợ An Giang đầu tư xây dựng Cầu Vàm Cống đến việc chấp thuận chủ trương xây dựng cầu Châu Đốc. Cử tri cho rằng, khi các công trình này đi vào hoạt động ngoài việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, tăng cường kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành khu vực và TP Hồ Chí Minh...
Cử tri An Giang kiến nghị tâm tư, nguyện vọng với các ĐBQH.
Những vấn đề trăn trở của bà con cử tri luôn được quan tâm
Ân cần lắng nghe từng ý kiến của cử tri, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, đơn vị số 4, ông Đôn Tuấn Phong cho rằng những ý kiến, kiến nghị của cử tri nêu ra là sát hợp với với thực tế, liên quan đến thực tế chung của đất nước, của địa phương. Đối với những vấn đề liên quan đến địa phương, ông Phong đề nghị chính quyền ghi nhận quan tâm, nghiên cứu sớm trả lời thỏa đáng cho người dân. Đối với ý kiến về chính sách đối với người có công, ông Đôn Tuấn Phong ghi nhận và đề nghị chính quyền địa phương quan tâm hơn đến việc rà soát, hướng dẫn, giải thích chính sách đến bà con cử tri. “Vừa rồi, tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu để nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét cho phù hợp” - Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho hay.
Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, ghi nhận ý kiến của bà con cử tri, vấn đề về văn hóa, an ninh trật tự, tình trạng buôn lậu, một số chương trình văn hóa cần thẩm định một cách kỹ trước khi trình chiếu ra công chúng để đảm bảo không phản cảm về văn hóa và phù hợp với thuần phong mỹ tục. Trước sự lo lắng của cử tri về tình hình an ninh trật tự cơ sở, xu hướng tội phạm ngày càng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Ông Phong đề nghị, Chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến đối tượng thanh thiếu niên, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam - ĐBQH Đôn Tuấn Phong trả lời ý kiến cử tri
Về tình trạng buôn lậu khu vực biên giới, ĐBQH Phong cho hay, “đây không phải chỉ là băn khoăn riêng của cấp ủy chính quyền và cử tri An Giang mà là trăn trở chung của tất cả các tỉnh có địa bàn giáp biên giới từ Bắc vô Nam; lực lượng chức năng đã cố gắng làm việc với tinh thần trách nhiệm tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp. Trong các kỳ họp của Quốc hội các vấn đề về phòng, chống buôn lậu thường được đưa ra để tranh luận; bởi không phòng, chống được tình trạng buôn lậu thì sẽ khó có thể khuyến khích sản xuất trong nước, bảo hộ cho sản xuất. Điển hình như cử tri nêu về tình trạng đường nhập lậu, như vậy sẽ gây khó khăn không nhỏ cho người dân trồng mía, ảnh hưởng đến tình trạng sản xuất của các nhà máy” - ông Phong nêu.
Về vấn đề bà con cử tri phán ánh “điệp khúc” được mùa - mất giá, trong khi đó, vật tư nông nghiệp giá thành cao; hàng nhái, hàng lậu tràn lan, ông Phong cho hay thời gian qua Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành liên quan rất quan tâm vấn đề này, đã tổ chức nhiều chương trình, hội thảo tìm giải pháp để giúp nền nông nghiệp nước nhà phát triển bền vững.
Tại buổi tiếp xúc cử tri ông Phong cũng thông báo tin vui cho bà con cử tri An Giang, là Chính phủ đã đồng ý chủ trương phê duyệt và Quốc hội đã thông qua việc xây dựng tuyến đường tránh Long Xuyên để giảm tải tình trạng ách tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương...
Chiều cùng ngày, ông Đôn Tuấn Phong cùng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã về huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) dành nhiều thời gian tiếp xúc, lắng nghe, tiếp thu và giải trình nguyện vọng của bà con cử tri trên địa bàn. Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến, kiến nghị của bà con cử tri đã được Đoàn ĐBQH ghi nhận và trả lời cho bà một cách thấu đáo, được đông đảo cử tri đồng tình.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang - Võ Thị Ánh Xuân cho biết, bên cạnh sự tranh thủ ủng hộ của lãnh đạo Trung ương, tập thể lãnh đạo và người dân An Giang luôn sự nỗ lực góp phần vào sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một số vấn đề đang trăn trở là về mạng lưới giao thông nông thôn mặc dù có thay đổi nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; về hạt gạo An Giang vẫn chưa có thương hiệu và sản xuất chưa mang lại giá trị cao. Theo bà Xuân, để làm được điều này cần phải có lộ trình. An Giang đang cố gắng xây dựng thương hiệu hạt gạo của tỉnh để góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang - Võ Thị Ánh Xuân trả lời ý kiến cử tri
Về công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, bà mong muốn người dân cùng chung tay góp sức với Chính quyền địa phương đổi mới diện mạo nông thôn. An Giang sẽ cố gắng phối hợp, chỉ đạo để có giải pháp hợp lý trong thẩm quyền về việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trao đổi với cử tri về công tác phòng chống tham nhũng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, vấn đề này càng ngày càng được quan tâm, quản lý chặt chẽ hơn, sẽ xử lý nghiêm ngặt, không có vùng cấm.
“Xứng đáng” là những người đại biểu của Nhân dân
Chia sẻ với cử tri về hình hoạt động trong nửa chặng đường đã qua của nhiệm kỳ 2016-2021 của Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, ông Phan Huỳnh Sơn – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, Đơn vị tỉnh An Giang có 10 ĐBQH, gồm 4 đại biểu Trung ương và 6 đại biểu địa phương; 10 ĐBQH tham gia các Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các quốc gia khác, như: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Nicaragua, Brazil, Chile, Kazakhstan và Campuchia. Qua 6 kỳ họp Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Thời gian giữa các kỳ họp Quốc hội, các vị ĐBQH luôn nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, năm bắt thục tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực tham gia công tác lập pháp, giám sát. Đồng thời, thông qua hoạt động thảo luận, tranh luận và chất vấn tại các kỳ hợp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh luôn tích cực đóng góp, tham gia quyết định các vấn để quan trọng của đất nước, công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát và phát huy việc lồng ghép để phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cử tri đến với Quốc hội... Trong thời gian diễn ra mỗi kỳ họp, ĐBQH đã tích cực tham gia các hoạt động của UBTV Quốc hội, Hội đồng dân tộc các Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội, nổi bật nhất là công tác đối ngoại.
Hầu hết những vấn để tỉnh đề xuất, kiến nghị đều được thống nhất hỗ trợ, quan tâm ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với tỉnh để triển khai có hiệu quả, như: Chính phủ đồng ý triển khai dự án tuyến tránh Quốc lộ 91 và tuyến tránh qua TP. Long Xuyên, với tổng giá trị đầu tư trên 2000 tỷ đồng; Các bộ ngành đã đồng thuận triển khai nhiều dự án thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn như: Dự án nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao; dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất giống tập trung và dự án phòng chống sạt lở bờ sông; dự án ứng dụng công nghệ mới của Chương trình đối mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, về phát triển tài sản trí tuệ; dự án cầu Châu Đốc; quy hoạch phát triển dự án điện mặt trời của tỉnh; dự án hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng biến đổi khí hậu vùng Bảy Núi giai đoạn 2; xử lý 6 bãi rác ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nâng cấp, cải tạo hệ thống xử chất thải tế Bệnh viện Tri Tôn và Tịnh Biên...
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tranh thủ sự ủng hộ và vận động hỗ trợ, tài trợ: 300 căn nhà cho hộ nghèo mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, 1 trường Trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia trị giá 25 tỷ đồng, 4 phòng học Mầm non trị giá trên 4 tỷ đồng, 3 xe cứu thương chuyên dụng gắn với hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 3 tỷ đồng ... với tổng trị giá trên 47 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng vận động tài trợ với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng, gồm: 10 căn nhà tình nghĩa, 3 căn nhà cho hộ nghèo, hàng trăm xe đạp, hàng chục bộ máy tính, khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho hàng ngàn học sinh, thăm và tặng quà cho hàng ngàn gia đình chính sách, hộ nghèo...
Hà Vy - Thành Thật