Điệu múa chuông của người Dao đỏ
Múa chuông đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Dao đỏ (Ảnh: Truyền hình Lào Cai). |
Trong thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng của người Dao đỏ ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai không thể thiếu điệu múa chuông. Đồng bào coi múa chuông là điệu múa linh thiêng nên luôn gìn giữ, truyền dạy cho con cháu. Thật đáng mừng khi thế hệ thanh niên người Dao hôm nay đã nhiệt thành tiếp nối điệu múa thiêng của dân tộc mình.
Những chiếc chuông được lắc mạnh tạo thành nhịp đều đặn, những sợi tua mầu được tung lên, hạ xuống nhịp nhàng, sinh động và đẹp mắt.
Múa chuông là một trong những điệu múa chính trong các nghi lễ linh thiêng của đồng bào Dao. Điệu múa thể hiện niềm tin của người Dao vào tổ tiên, đã bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc. Mong tổ tiên che chở dân bản có cuộc sống no ấm. Ý thức được điều đó, những thanh niên ở người Dao ở vùng cao đã có những việc làm thiết thực góp phần giữ gìn nét bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Trong đời sống của người Dao Đỏ tồn tại hệ thống nghi lễ vô cùng đa dạng và phong phú như: lễ cúng tổ tiên, lễ thêm khẩu (thim miền khu), lễ cúng mẹ Hoa (pièng miến), lễ cúng hồn (chang vần), cúng hồn lúa (síp bèo vần), cúng lập xuân (pịa schun), cúng ma ruộng (síp lình miến), cúng thổ công (síp đào tẩy miến/ pụa công), cúng cơm mới (sénh trà phin nhản sènh huây), lễ tẩy uế vào năm mới (trái panh), lễ cởi bỏ ma xấu (stre), cúng Bàn Vương (chấu đàng), lễ cấp sắc (quá tang), đám chay (chấu chây)... Theo quan niệm dân gian của đồng bào, mỗi nghi lễ đều nhằm mục đích bảo vệ phần hồn của con người, trừ tà, xua đuổi ma quỷ khỏi quấy nhiễu ma tổ tiên và hồn của con người đang sống, cầu mong sự che chở, ban phúc lộc của Ngọc Hoàng, các vị thánh thần, ma tổ tiên.
Múa của người Dao Đỏ chủ yếu được dùng trong các nghi lễ như gọi hồn, tẩy uế vào năm mới, cấp sắc, tang ma, cúng Bàn Vương... Ngoài múa chuông, người Dao còn có múa tay không, múa lửa, múa kiếm và múa dao, múa gậy...