Diễn đàn lắng nghe tiếng nói người khuyết tật
Tại sự kiện giới thiệu nhiều sản phẩm do người khuyết tật làm (Ảnh: TTXVN). |
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Văn Hồi khẳng định: 30 năm trước, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 3/12 là Ngày Quốc tế Người khuyết tật. Nhiều năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người khuyết tật đã từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Người khuyết tật được nâng cao năng lực, hòa nhập xã hội; quyền của người khuyết tật từng bước được thực thi… Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật tương đối đầy đủ so với nhiều nước phát triển trên thế giới cũng như trong khu vực.
Tại diễn đàn đã nêu lên nhiều vấn đề có ý nghĩa thiết thực, bao gồm: những chính sách mới đối với người khuyết tật, định hướng thời gian tới; quy trình và thủ tục vay vốn đối với người khuyết tật…
Bên cạnh đó, đề cập đến một số khó khăn như: hệ thống chính sách, pháp luật tương đối đầy đủ, tuy nhiên có những quy định không còn phù hợp thực tiễn, cần sửa đổi; một số quy định còn thiếu, cần sớm được nghiên cứu, rà soát để bổ sung, hoàn thiện quy định chính sách; một số tổ chức hội chưa tiếp cận được nguồn ngân sách hoạt động nhiệm vụ Nhà nước giao; một số quy định còn chồng chéo, nhất là trong việc tiếp nhận các dự án, hoạt động hợp tác, ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ...
Từ đó, nhiều đề xuất được nêu ra: bảo đảm việc bố trí, phân bổ ngân sách hiệu quả, tạo điều kiện để các tổ chức của người khuyết tật được tham gia thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức một cách toàn diện, trên mọi mặt, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về nghĩa vụ cùng với quyền với người khuyết tật; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, áp dụng khoa học công nghệ để nghiên cứu, hỗ trợ người khuyết tật…
Các đại biểu cũng khuyến nghị rà soát lại hệ thống quy định pháp luật, chính sách đối với người khuyết tật để có kế hoạch sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và xu thế phát triển của xã hội, nhất là đối với Luật Người khuyết tật.