Điểm tương đồng trong sự mất tích bí ẩn của QZ8501 và MH370
Sỹ quan hải quân Indonesia trong chiến dịch tìm kiếm QZ 8501. Ảnh: Reuters.
Tín hiệu máy bay của hãng AirAsia Indonesia biến mất khỏi màn hình radar ở đài không lưu (ATC) khi đang trên hành trình từ Surabaya, Indonesia đến Singapore ngày 28/12. Thông điệp cuối cùng của cơ trưởng chiếc QZ8501 là yêu cầu tăng độ cao và chuyển hướng bay để tránh thời tiết xấu.
Trong khi đó, máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines mất liên lạc với ATC khi đang ở không phận giữa Malaysia và Việt Nam ngày 8/3. Những điều tra về sau cho thấy máy bay đã chuyển hướng xuống phía nam, bay về phía Ấn Độ Dương.
Trong cả 2 trường hợp mất tích, đài kiểm soát không lưu đều không nhận được liên lạc nào từ phi công, chứ chưa xét đến tín hiệu báo tình huống khẩn cấp.
Chuyên gia hàng không Peter Stuart Smith của Australia nghi vấn rằng nếu QZ8501 rơi vào hoàn cảnh thời tiết xấu thì tại sao phi công không tiếp tục liên lạc với đài kiểm soát. "Ưu tiên hàng đầu của phi công tất nhiên là lái máy bay, nhưng họ cũng phải báo cáo với ATC về tình hình, mà thao tác rất đơn giản là chỉ việc nhấn nút trên bàn điều khiển và nói chuyện", ông Smith nói trên News.com.au.
Cũng theo ông Smith, thời tiết xấu là chuyện bình thường ở Indonesia vào thời điểm này, nhưng nó hiếm khi là nguyên nhân gây tai nạn cho một máy bay, đặc biệt là những máy bay hiện đại do Boeing (chuyến bay MH370) và Airbus (chuyến bay QZ 8501) sản xuất. "Nếu máy bay ở gần mặt đất thì tình huống sẽ khác nhưng khi đó phi cơ đang bay khá cao. Kể cả khi máy bay bị tròng trành, phi công vẫn có thể khôi phục và kiểm soát được tình hình", ông Smith nói.
Còn chuyên gia Neil Hansford tin rằng nếu "lỗi do con người" dẫn đến sự mất tích của QZ8501 thì điều này không khó để phát hiện ra. Ông Hansford nhận định đội tìm kiếm sẽ sớm phát hiện ra QZ8501 so với vụ MH370, vì phi cơ của AirAsia Indonesia biến mất khi còn trong không phận Indonesia. "Sự việc lần này sẽ không có những tình tiết phức tạp như vụ MH370, khi máy bay Malaysia Airlines chuẩn bị vào không phận Việt Nam".
Chuyên gia khí tượng của CNN, Karen Maginnis nhận định phạm vi tìm kiếm chuyến bay QZ 8501 tuy nhỏ hơn so với MH370 nhưng đây vẫn là một vùng rộng và công tác tìm kiếm còn bị ảnh hưởng do thời tiết.
Dù là hãng hàng không đối thủ với AirAsia nhưng hãng Malaysia Airlines (MAS) nhanh chóng thể hiện sự ủng hộ với AirAsia. Mạng xã hội của MAS nhanh chóng đăng lời kêu gọi AirAsia "hãy vững tâm" chỉ vài tiếng sau khi thông tin vụ QZ8501 lần đầu được phát đi. "Tâm trí và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về gia đình và bạn bè của những hành khách trên chuyến bay QZ8501", MAS đăng trên Twitter.
(Nguồn: MA)