Địa phương ưu tiên nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng xanh
Hà Nội: hướng đến mục tiêu xanh hóa
Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh Thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra nhiều mục tiêu xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái là 15%/năm. Các tòa nhà xây mới đáp ứng tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”, mã số QCVN 09:2017/BXD (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, khu thương mại, dịch vụ, chung cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp) năm 2025 là 100%.
Trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, diện tích cây xanh bình quân đầu người khu vực đô thị năm 2025 từ 7,8 đến 8,1m2/người; năm 2030 là 13-15m2/người. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2025 từ 30 đến 35%; năm 2030 là 40- 45%. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam đến năm 2025 là 100%.
Trong tiêu dùng bền vững, mức độ giảm tiêu thụ bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến năm 2025 từ 70 đến 75%; năm 2030 là 85% và tại các chợ đến năm 2025 từ 65 đến 70%, năm 2030 là 80. Tỷ lệ mua sắm công các sản phẩm xanh, sinh thái, đối với các loại hàng hóa trên thị trường có sản phẩm được dán xanh, sinh thái là 100%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND Thành phố Hà Nội đã đề ra một số giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó, có việc xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển sử dụng các loại bao bì tự phân hủy, các sản phẩm công nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng sạch, pin năng lượng mặt trời, sử dụng năng lượng gió, hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải; phát triển…
Hà Nội cũng khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả lò hơi, thiết bị nhiệt luyện, vận động, tuyên truyền tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xanh hóa sản xuất, nghiên cứu xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, nền kinh tế tuần hoàn, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, phát triển các mô hình sử dụng hiệu quả phế thải nông nghiệp; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững…
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch khoảng 9.700 tỷ đồng, trong đó sử dụng một phần từ ngân sách nhà nước, còn huy động chủ yếu từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và kêu gọi tài trợ, đầu tư từ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ.
Quảng Ninh: chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”
Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh được thực hiện từ sớm, ngay trong giai đoạn đầu đất nước định hình mô hình này. Cụ thể, thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; gắn nhiệm vụ thực hiện Chiến lược với quá trình xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh.
Tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính. Đồng thời, trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh; Quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh (bao gồm cả quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long và Đề án cải thiện môi trường tỉnh), nội dung tăng trưởng xanh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tầm nhìn dài hạn.
Tỉnh đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành công nghiệp “xanh” bằng nhiều giải pháp như phát triển hạ tầng, “xanh hóa” các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; mở rộng không gian phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản.
Sau khoảng thời gian nỗ lực thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đã và đang thu được nhiều kết quả nổi bật. công nghiệp than của Quảng Ninh đã có những cải tiến mạnh mẽ thông qua việc đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò, đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành các “mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”. Các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến, như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra Vịnh Hạ Long, sử dụng chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy… để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành du thuyền. Huyện đảo Cô Tô triển khai quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm lên đảo; đồng thời kêu gọi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực…
Thừa Thiên-Huế linh hoạt, sáng tạo trong phát triển kinh tế xanh
Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là chiến lược tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tập trung triển khai những năm qua. Tỉnh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương để đề ra nhiều chính sách phù hợp thực tiễn địa phương nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Hàng năm, tỉnh tổ chức lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội thực hiện như: tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom…
Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống đô thị trên địa bàn.
Thừa Thiên-Huế cũng sẽ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, các ngành chế biến sâu, công nghệ thông tin và phần mềm. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.
Cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đang có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động; chủ động, tích cực và ưu tiên dành nguồn lực triển khai các kế hoạch tăng trưởng xanh, hướng đến sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội đảm bảo sự phát triển bền vững.