Đi nước ngoài như kiểu phúc lợi cũng là một dạng tham nhũng
Đi nước ngoài để thi hành công vụ, học tập kinh nghiệm là điều cần thiết, thế nhưng dư luận lại hoài nghi về bản chất của những chuyến đi đó. Có hay không tình trạng cán bộ lợi dụng những chuyến công du để đi du lịch bằng tiền ngân sách?
Phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, Phó ban Tuyên truyền lý luận – Báo Nhân dân về vấn đề này.
Với góc nhìn là chuyên gia kinh tế, ông nhận xét thế nào về số lượng cũng như hiệu quả của những chuyến cán bộ đi nghiên cứu khảo sát và học tập ở nước ngoài thời gian qua?
Việc đi nước ngoài và cán bộ Nhà nước đi nước ngoài là việc bình thường, nằm trong lộ trình, nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước cần thiết để thực hiện các giao tiếp, các kỳ họp cũng như thương lượng trong hoạt động quốc tế, chưa kể hoạt động đào tạo cán bộ cũng cần thiết phải đi nước ngoài.
Ảnh minh họa của Dân sinh.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, đặc biệt là những con số thống kê vừa qua cho thấy dường như có cái gì đó đột biến, bất thường, do đó tạo nên những nghi ngại về hiệu quả. Đó là cấp vĩ mô, còn nhìn ở một số cơ quan, trong quá trình đó, chắc chắn có sự “thêm vào”, “tranh thủ” cũng như nhân danh đi nước ngoài để có những mục tiêu ngoài nhiệm vụ.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, hiệu quả đi nước ngoài khá rõ. Ví dụ, gần đây nhất ở Hà Nội, khi Chủ tịch UBND TP.Nguyễn Đức Chung cho một số cán bộ đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm về cây xanh thì rõ ràng cây xanh ở Hà Nội đẹp hơn hẳn. Hay những trường hợp đào tạo nghiên cứu sinh, hợp tác khoa học, đặc biệt là hội nghị quốc tế và kết quả của những cuộc đàm phán các Hiệp định cũng rất tốt. Nhưng đi nước ngoài để khảo sát tình hình, đi giao lưu theo kiểu ngắn hạn thì tôi cho rằng hiệu quả không cao lắm.
Theo ông, người dân ngờ vực về những chuyến công du của cán bộ như vậy có cơ sở không?
Những nhận xét của người dân mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nhưng tôi cho rằng có cơ sở. Việc đi nước ngoài được cho phép, quy định trong một số Chỉ thị, thông tư: Theo đó, muốn đi nước ngoài thì đơn vị phải lập dự toán ngân sách, được duyệt, sau đó cử người đi, khi về viết báo cáo. Có quyết định đi công tác và giấy tờ đưa về hợp lệ về việc đi nước ngoài.
Trong quá trình làm lãnh đạo, để bố trí người đi nước ngoài có ít nhiều tâm lý coi đi nước ngoài như một phúc lợi của người lao động, đặc biệt là người sắp đến tuổi nghỉ hưu. Nên thường những người sắp nghỉ hưu hay được bố trí đi kèm với những đoàn, nhân danh những chuyến công tác ngắn hạn 5-7 ngày, thậm chí thành lập một đoàn riêng dưới mục tiêu giao lưu, giao tiếp với đơn vị đối tác nhưng thực chất là đi du lịch, coi như một sự đãi ngộ.
TS.Nguyễn Minh Phong. Ảnh tạp chí Pháp lý.
Mục tiêu chuyến đi nhiều khi không nằm trong chức trách, nhiệm vụ, đúng đối tượng như trong Chỉ thị 102, và như đã nói là cài cắm, thêm bớt những đối tượng như một dạng phúc lợi, hoặc là mối quan hệ nên tạo ra việc cử người đi nhưng không đúng đối tượng, gây tổn phí về ngân sách.
Rất tốt là gần đây Chính phủ đã có Chỉ thị rất nghiêm, nhóm đi kiểu này gần như đã được loại bỏ.
Theo VOV