Di cư trái phép dễ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người
Gần 3.500 người Việt Nam là nạn nhân của buôn bán người |
Tội phạm buôn người ngày càng nhiều thủ đoạn mới |
Mỹ truy quét người nhập cư trái phép, người gốc Việt có bị ảnh hưởng? |
Ông Đinh Văn Trình - Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự , Bộ Công an chia sẻ thông tin về nạn mua bán người. Ảnh PNVN |
2.800 nạn nhân mua bán người trong gần 3 năm
Ngày 21/11, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền Chính phủ tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 11/2019.
Tại hội nghị, ông Đinh Văn Trình - Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự , Bộ Công an đã chia sẻ những thông tin với tội phạm đưa lậu người ra nước ngoài.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 6 triệu lượt người Việt xuất cảnh ra nước ngoài và khoảng 6 triệu người Việt nhập cảnh về nước theo đường chính thức. Nếu tính cả số người xuất nhập cảnh không chính thức qua biên giới đường bộ (di cư trái phép), hàng năm, số người Việt Nam xuất nhập cảnh khoảng 9 triệu người (10% dân số cả nước). Trong đó, đáng chú ý tình hình người Việt Nam di cư ra nước ngoài có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người bao gồm di cư vì mục đích kinh tế, di cư để du học nước ngoài, di cư với mục đích kết hôn có yếu tố nước ngoài và di cư quốc tế do người nước ngoài nhận con nuôi Việt Nam.
Từ đầu năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 1.200 vụ, với 1.600 đối tượng, lừa bán 2.800 nạn nhân, trên 90% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%. Số nạn nhân bị lừa bán theo hình thức di cư hợp pháp chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu bị lừa bán thông qua di cư trái phép ra nước ngoài.
Thực trạng tình hình hoạt động tội phạm mua bán người thông qua di cư trái phép ra nước ngoài là các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam câu kết với đối tượng cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ dưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi đến nước sở tại, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc; xuất hiện các đường dây môi giới lập tài khoản trên mạng với tên giả; dùng tiền làm mồi nhử, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó, bán để cưỡng bức lao động.
Về vấn đề di cư với mục đích kết hôn có yếu tố nước ngoài, từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước có khoảng 100 nghìn người Việt Nam (nữ chiếm 92%) kết hôn với công dân của 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình mỗi năm có khoảng 13.500 người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài… do sự mất cân bằng về giới, nhất là các vùng nông thôn do khó khăn về kinh tế và chi phí rất tốn kém nên khó có khả năng kết hôn ở trong nước buộc họ phải tìm vợ ở nước ngoài.
Đã phát hiện nhiều đường dây có sự cấu kết, phân công chặt chẽ giữa các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Quốc… với các đối tượng người Việt Nam lừa phụ nữ ra nước ngoài dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép.
Tội phạm mua bán người tiếp tục sử dụng các phương thức như không tiếp cận nạn nhân trực tiếp mà thông qua các trang mạng xã hội; không trực tiếp đi cùng mà hướng dẫn nạn nhân di chuyển đến khu vực biên giới, xuất cảnh trái phép, sau đó lừa bán vào động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp; tìm đến phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn rồi dụ dỗ đưa ra nước ngoài, nhất là Trung Quốc, sinh con sau đó bán trẻ sơ sinh cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, còn tiềm ẩn nguy cơ mua bán người thông qua di cư trái phép, di cư lao động hoặc di cư kết hôn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp
Trong bối cảnh công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài ngày càng tăng, để hạn chế nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp, an toàn, phòng, chống tội phạm mua bán người.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh và đổi mới, sức mạnh tập thể sẽ được phát huy tối đa nhằm đấu tranh, ngặn chặn nạn mua bán người - một trong bốn loại hình tội phạm nguy hiểm nhất thế giới theo nhận định của Liên Hợp Quốc. Tuyên truyền cũng là một nội dung quan trọng của mục tiêu số 10 "Ngăn chặn, đấu tranh và xóa bỏ nạn mua bán người trong di cư quốc tế" trong Thỏa thuận GCM.
Theo đó, các quốc gia cần đầu tư cho các chiến dịch tuyên truyền với sự tham gia của các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người di cư và những người di cư tiềm năng về các rủi ro khi di cư ra nước ngoài và hiểm họa của nạn mua bán người. Điều này là vô cùng cần thiết để người dân có lựa chọn và quyết định đúng đắn khi di cư ra nước ngoài thông qua các kênh di cư hợp pháp, tránh bị dụ dỗ đưa ra nước ngoài trái phép và không gặp phải rủi ro trong quá trình di cư như bị ép buộc lao động, bị bóc lột, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như một số vụ việc di cư trái phép diễn ra thời gian gần đây.