Di chứng chất độc da cam ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ 4
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” trong 2 ngày 8-9/8 tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý, hoạt động xã hội có uy tín trong, ngoài nước; nhằm trao đổi, công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, tiếp tục làm rõ hậu quả nặng nề của chất độc dacam/dioxindo Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường, con người, sự nỗ lực to lớn của Việt Nam và hỗ trợ của quốc tế. Đồng thời kêu gọi cộng đồng tiếp tục quan tâm giúp đỡ nạn nhân cả về vật chất và tinh thần, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; lên án, ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học, vũ khí hủy diệt khác.
Ảnh minh họa
Báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, theo kết quả các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam. Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, các nạn nhân còn sống đang vật lộn với những khó khăn về đời sống, bệnh tật hiểm nghèo. Đặc biệt, ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Số nạn nhân là con, cháu, chắt người bị nhiễm trong chiến tranh ở Việt Nam có thể lên đến hàng triệu người.
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian tới, cần phải tăng cường công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam, bằng tiếng nói khoa học, của lương tâm để tất cả những nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là nạn nhân da cam được hỗ trợ, được trả lại công bằng.
Theo báo Hà Nội mới, tại Hội thảo có hơn 30 báo cáo khoa học và poster thông báo kết quả nghiên cứu về CĐDC/dioxin của các nhà khoa học có uy tín, các nhà quản lý trong nước và quốc tế tập trung ở 2 nhóm chuyên đề về môi trường, độc học, sinh thái và chuyên đề y tế, sức khỏe, cộng đồng.
Các tham luận gửi tới hội thảo đều thống nhất việc khắc phục hậu quả của CĐDC/dioxin ở Việt Nam còn nhiều vấn đề lớn như: Tiếp tục điều tra, đánh giá chính xác hậu quả; tìm kiếm công nghệ thích hợp để xử lý ô nhiễm ở các khu vực còn tồn lưu cao dioxin; hạn chế tối đa số người bị phơi nhiễm mới và di chứng sang các thế hệ; phương pháp chữa trị bệnh tật; hoàn thiện chính sách chăm sóc, giúp đỡ, cải thiện đời sống nạn nhân CĐDC; cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân trong bối cảnh mới... Giải quyết được những vấn đề đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Việt Nam và mong chờ sự giúp sức của cộng đồng quốc tế
Các nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra các kiến nghị: Việt Nam cần huy động mọi nguồn lực trong nước, mở rộng quan hệ quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc khắc phục hậu quả của CĐDC/dioxin. Trước tiên, các cơ quan chức năng quan tâm đến việc điều tra bổ sung để đánh giá tổng thể hiện trạng tồn lưu dioxin có nguồn gốc từ CĐHH do Mỹ sử dụng ở các vùng bị phun rải, khu vực tập kết, lan tỏa; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái; xây dựng hệ thống quan trắc kiểm soát ô nhiễm, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm và nạn nhân mới. Việt Nam cần nhanh chóng xác định công nghệ thích hợp xử lý triệt để dioxin; điều tra, khảo sát số lượng, cơ cấu số người bị phơi nhiễm, số lượng nạn nhân thuộc đối tượng trực tiếp, gián tiếp trong và sau chiếu tranh; bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân; huy động mọi nguồn lực chung sức giúp đỡ nạn nhân cải thiện đời sống, hòa nhập cộng đồng...
M.Duy (t/h)