Đến Huế thăm làng nghề hoa giấy Thanh Tiên
Hoa giấy Thanh Tiên có 5 loại gồm: cúc, quỳ, hồng, lan, mai (Ảnh: Cổng thông tin điện tử thành phố Huế). |
Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế nổi tiếng với nghề làm hoa giấy truyền thống hàng trăm năm nay. Thanh Tiên nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km.
Theo tư liệu ghi lại: làng hoa giấy Thanh Tiên ra đời gần 400 năm thời các chúa Nguyễn. Sau khi vua Gia Long thu giang sơn về một mối, nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi một trấn đem về kinh thành một loài hoa quý. Trong triều đình có một vị quan người làng Thanh Tiên làm ở Bộ Lễ chức Tả Hữu Đồng Nghị, dâng lên nhà vua một loài hoa ngũ sắc với đầy ý nghĩa Tam Cương - Ngũ Thường: “Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa. Trong đó luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”.
Khi nghe trình bày ý nghĩa, vua ban chiếu khuyến khích làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bày biện, bán lên kinh đô và phổ biến nghề cho mọi người. Hoa giấy gắn với tín ngưỡng thờ cúng của người Huế, trước là dâng cúng thần linh, tổ tiên ông bà, sau là trang hoàng nhà cửa. Những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu nơi thôn dã không còn “hương bảo” của làng Thanh Tiên nữa mà lan tỏa khắp phố thị, làng quê Huế mỗi dịp xuân về.
Làng Thanh Tiên (mới được đổi tên thành Thanh Vinh) xưa còn có tên là Tân Lãn hay Tân Lạn, là một trong những địa phương hiếm hoi còn nắm giữ được những thủ thuật bí truyền trong nghề làm bông lùng, bông bụp – một loại hoa đặc trưng trên bàn thờ của Huế xưa. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên thường được làm vào những lúc nông nhàn, dùng trong tín ngưỡng: cắm ở trang thờ Ông, Bà bổn mạng vào dịp vía lễ; hoặc trang thờ ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm; hoặc dùng trong lễ cúng trang Sư (Thổ Công). Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo, nghệ thuật, người dân nơi đây đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên như hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ và sau đó là hoa sen.
Sản xuất ra một cành hoa giấy là không hề đơn giản. Một điểm đặc trưng của hoa giấy Thanh Tiên đó là tất cả các công đoạn sản xuất đều hoàn toàn được làm thủ công. Để bắt đầu làm hoa giấy, nghệ nhân Thanh Tiên phải chuẩn bị trước nhiều tháng. Tre phải lựa những cây thuộc loại lồ ô dẻo dai nhất, chẻ nhỏ vót tròn, rồi đem phơi khô làm cành và cuống hoa. Giấy màu phải cắt thành hình bông hoa, dán hồ tạo hình, ghép nhuỵ tạo thành từng bông hoa rồi sau đó ghép hoa vào cành. Đặc biệt, trong quá trình nhuộm màu giấy hoa, thuốc nhuộm tất cả đều từ nguồn nhựa cây và lá cây theo công thức gia truyền chế xuất thành.
Những màu sắc rực rỡ mà giản dị đó không chỉ làm đẹp thêm cho phong vị tâm linh, còn tô thêm nét độc đáo của văn hóa Huế.
Nguồn video: Truyền hình Thừa Thiên Huế
Festival nghề truyền thống Huế: Nơi tôn vinh giá trị tinh hoa di sản Festival nghề truyền thống Huế là nơi để các nghệ nhân Việt không chỉ tôn vinh các giá trị tinh hoa di sản mà còn là cơ hội để cọ sát, lĩnh hội có chọn lọc trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề. |
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến thăm và chúc mừng 60 năm ngày thành lập Giáo phận Đà Nẵng Mới đây, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng Đặng Đức Ngân đại diện tiếp Đoàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến thăm và chúc mừng Toà giám mục Giáo phận Đà Nẵng vào chiều 23/5 nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Giáo phận Đà Nẵng (1963-2023). |