Đầu tư Việt Nam - Campuchia: Thêm một nhịp cầu nối tình hữu nghị
Tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân
Trở lại căn nhà của gia đình chị Nhem Sopheap (tỉnh Kratie, Campuchia) sau ba năm, ai nấy đều bất ngờ trước những đổi thay không hề nhỏ. Bức tường nhà vừa được phủ sơn mới, những cánh cửa gỗ mới thay, trong nhà được trang bị thêm những vật dụng cần thiết như tivi, tủ lạnh, máy giặt… Hai con của chị Sopheap cũng đã được đi học đầy đủ.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt bán chăn thả do Thaco Agri đầu tư tại Campuchia. (Ảnh: Nguyễn Hiệp) |
Chị Nhem Sopheap chia sẻ, trước đây gia đình chị chỉ trồng lúa trên diện tích 1ha, nhiều rủi ro làm năng suất lúa không đồng đều. Thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống rất khó khăn chứ đừng nói đến việc có tiền đóng học phí cho hai con nhỏ. Nhưng kể từ khi có dự án đầu tư của tập đoàn Thaco Agri (Việt Nam) giúp cung cấp giống lúa chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật canh tác, năng suất lúa của gia đình chị đã tăng lên gần gấp ba lần, thu nhập cũng tăng lên đáng kể.
Dự án nông nghiệp của Thaco Agri tại các tỉnh Kratie và Ratanakiri (Campuchia) có tổng vốn đầu tư khoảng 720 triệu USD. Bên cạnh trồng lúa, dự án cũng hỗ trợ người dân phát triển trồng các loại cây ăn quả như: chuối, dứa, xoài… và chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt bán chăn thả.
Kể từ khi bắt đầu các dự án đầu tư tại Campuchia vào năm 2018, Thaco Agri đã duy trì sản xuất và ổn định việc làm cho khoảng 14.000 lao động tại Campuchia, trong đó có nhiều cựu chiến binh Campuchia đã nghỉ hưu và gia đình họ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác cũng thực hiện đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công tại Campuchia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam có hơn 200 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đăng ký hơn 2,9 tỷ USD, có mặt ở hầu hết các ngành, tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng, sản xuất chế biến công nghiệp, y tế, thương mại, dịch vụ… Campuchia là địa bàn lớn thứ hai trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.
Nhiều đề xuất tăng cường hợp tác
Phát biểu tại “Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia năm 2023” diễn ra ngày 12/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thách thức.
Kết quả đầu tư chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước; quy mô vốn đầu tư có xu hướng giảm; chưa có nhiều dự án lớn, mang tính chiến lược, tạo ra sự bứt phá trong hợp tác; một số dự án lớn có khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời; hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực, sự thay đổi của hệ thống pháp luật, sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong thực thi pháp luật…
Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia năm 2023. (Ảnh: Vũ Khuyên) |
Với mong muốn có sự đột phá trong hợp tác đầu tư với Campuchia trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Campuchia thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Campuchia như: công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, phát triển các đặc khu kinh tế, du lịch… nhất là ưu tiên hợp tác phát triển kinh tế tại khu vực biên giới hai nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất hai bên thúc đẩy hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: sản xuất, chế biến sản phẩm nông - lâm sản sạch, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ đó mở rộng một số lĩnh vực dịch vụ có chất lượng cao như: du lịch, y tế, giáo dục, hạ tầng, xây dựng, bất động sản và các dịch vụ khác đem lại giá trị gia tăng cao.
Các cơ quan nhà nước hai bên cũng cần tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Campuchia cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất trong việc ban hành và thực thi pháp luật. Ưu tiên đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, có tính kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Ngoài ra, tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong hoạt động kết nối, xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động có hiệu quả; hỗ trợ các nhà đầu tư mới nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư ở thị trường mỗi nước; làm cầu nối thường xuyên với các cơ quan liên quan của hai nước để ủng hộ, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Những mối tình “xuyên biên giới” Việt Nam - Campuchia Dù có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống… nhưng tình cảm của những cặp vợ chồng xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia vẫn bền chặt, hạnh phúc là minh chứng rõ nét cho tình yêu và sự hòa hợp giữa hai dân tộc. |
Những cuộc gặp của tình đoàn kết Việt Nam-Campuchia Những buổi gặp mặt, chuyến đi là dịp để mọi người ôn lại mốc son lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. |