Đắk Nông nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 2
Tham dự buổi lễ có trên 500 đại biểu đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới Công viên địa chất quốc gia Việt Nam và nhiều đối tác của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Tại buổi lễ, bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao và ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao bằng công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Việt Nam lần 2, giai đoạn 2024 - 2027 cho tỉnh Đắk Nông.
Đắk Nông nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 2. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Công viên địa chất Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Tại đây có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, trong đó có hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước… Các nhà khoa học từng phát hiện nhiều loại khoáng sản, đá quý, di chỉ khảo cổ người tiền sử sinh sống trong khu vực hang động núi lửa của công viên địa chất, đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước.
Tháng 7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ 3 tại Việt Nam, sau Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). Việc tái thẩm định danh hiệu 4 năm một lần do các chuyên gia UNESCO thực hiện là thước đo giúp tỉnh Đắk Nông đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế và định hình chiến lược phát triển công viên địa chất toàn cầu bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, Đắk Nông ưu tiên phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa, đặc trưng sinh thái bản địa của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đây được định hướng là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương.
"Danh hiệu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, đưa tỉnh Đắk Nông chính thức gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, gồm 213 điểm đến thuộc 48 quốc gia trên thế giới", ông Hồ Văn Mười nói.
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông thu hút nhiều du khách. (Ảnh: Công viên địa chất) |
Chúc mừng Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được UNESCO tái thẩm định thành công và trở thành Công viên địa chất toàn cầu giai đoạn 2024 - 2027, ông Jonathan W. Baker, đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định, thành tựu này chính là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đắk Nông trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của công viên địa chất. Đây là cơ hội mới cho Đắk Nông để củng cố thương hiệu toàn cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường thế giới.
Theo ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO, Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu, Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông là minh chứng điển hình về liên kết hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đồng thời là biểu tượng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. UNESCO cam kết tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Đắk Nông để phát huy giá trị của danh hiệu, biến di sản trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững.
Dịp này, tỉnh Đắk Nông đã tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho 1 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2020 - 2024.
Cũng trong ngày 26/12, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội thảo với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững”. Tham dự hội thảo có trên 150 đại biểu đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam… Theo các chuyên gia, cần kết hợp tiềm năng to lớn của Đắk Nông trong cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ và hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, tận dụng địa hình đưa du lịch cộng đồng gần hơn với công chúng. Nhưng đặc biệt, cần bảo tồn hệ thống hang động, khôi phục lễ hội truyền thống… |
Kỷ niệm 30 năm ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới Tối 14/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất (17/12/1994-17/12/2024). |
Bác bỏ thông tin Vịnh Hạ Long bị đưa ra khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới "Không có chuyện UNESCO xem xét loại Vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới" - Đây là khẳng định của Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường tại hội nghị thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tại TP Hạ Long vào chiều 24/12. |