Chuyên gia trong nước và quốc tế tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa
Hội nghị quy tụ 40 đại diện đến từ các quốc gia thành viên Liên hiệp các hội UNESCO thế giới (WFUCA) như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Hy Lạp, Kazakhstan, Romania... cùng hàng trăm đại biểu từ các cơ quan, ban, ngành, tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học uy tín tại Việt Nam.
Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa”. (Ảnh: Tạp chí Ngày Nay) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cho biết: Hội nghị đánh dấu bước phát triển mới của phong trào UNESCO phi chính phủ trên toàn thế giới, tạo ra những điều kiện mới để tăng cường sự hợp tác giao lưu giữa các Hiệp hội và câu lạc bộ UNESCO các nước thành viên cùng nhau hướng đến những chương trình, hoạt động lớn hơn nữa, lan tỏa mạnh mẽ trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông theo tư tưởng nhân văn trong sáng của UNESCO vì mục tiêu chung của nhân loại.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, không chỉ đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các quốc gia, phong trào UNESCO còn đóng vai trò như cầu nối giữa các nền văn hóa khác nhau, từ đó tạo điều kiện cho sự trao đổi, giao lưu và chia sẻ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
“Bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra vô vàn thách thức cho các ngành công nghiệp văn hóa. Để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đặc biệt sự tham gia đóng góp của toàn thể cộng đồng là vô cùng cần thiết để tìm ra những giải pháp có hiệu quả,” ông Thắng nêu rõ.
Tại Hội nghị Ban chấp hành, các quốc gia thành viên của WFUCA báo cáo, tổng kết, đánh giá các hoạt động thực thi trong giai đoạn 2023-2024; thông qua, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Liên hiệp các hội UNESCO thế giới; bầu các vị trí lãnh đạo của nhiệm kỳ mới và thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần thứ 44.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế và bảo tồn di sản văn hóa.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên mặc nhiên Liên hiệp các hội UNESCO thế giới khai mạc hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
Ông Bolat Akchulakov, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO thế giới kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường phong trào UNESCO của mình ở cấp độ liên vùng, đẩy mạnh hơn nữa chương trình hoạt động đối tác với UNESCO, kích hoạt tiềm năng của thanh niên trở thành thế hệ lãnh đạo trẻ, cùng đoàn kết, nỗ lực để đạt được sự hiệp lực, đồng thuận vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng Việt Nam không thiếu các giá trị độc đáo để làm cơ sở phát triển công nghiệp văn hóa nhưng việc tìm kiếm các giá trị văn hóa này, đầu tư và thực sự biến chúng thành tiền đề phát triển không phải là nhiệm vụ đơn giản.
Cũng theo ông Minh, khi bàn về phát triển văn hóa, chúng ta không chỉ đề cập đến những giá trị đã được thế giới thừa nhận. Những giá trị khác biệt có thể tạo ra ưu thế. Chúng ta không thể chỉ làm văn hóa dựa trên các di sản mà thế giới công nhận. Di sản vật chất và tinh thần của người Việt Nam, qua đó là tài sản của tương lai, tồn tại ở từng triền núi, dòng sông, nếp làng.
“Nếu không sớm xác định được tài sản văn hóa thì quá trình đô thị hóa, bê tông hóa và các đánh đổi tăng trưởng trước mắt có thể sẽ khiến nhiều di sản mất đi vĩnh viễn. Trong nhiều thập kỷ, những chủ trương công nghiệp hóa và hiện đại hóa thường được gắn với các ngành công nghiệp, xây dựng, nhưng khi văn hóa là một ‘mũi nhọn’, chúng ta phải xem xét lại cả một quá trình, vì có những giá trị văn hóa khi đã đánh đổi, không thể lấy lại,” ông Lê Quốc Minh nêu rõ.
Ông khẳng định UNESCO không chỉ là một thiết chế, mà còn là một phong trào của nhân dân. Ông Minh hy vọng rằng Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, các tổ chức UNESCO quốc tế sẽ cùng hợp sức với chính quyền và nhân dân Việt Nam trong việc tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo, tạo tiền đề cho phát triển.
Tại hội nghị, các quốc gia thành viên sẽ đưa ra Tuyên ngôn Hạ Long về "Kinh tế sáng tạo - Kết nối văn hóa vì hòa bình và phát triển bền vững".
Bản tuyên ngôn cam kết thúc đẩy các mô hình kinh tế trên cơ sở công bằng và bền vững, nâng cao chất lượng sống của mọi thành viên cộng đồng; ủng hộ các chính sách kinh tế thân thiện với môi trường và xã hội, bảo đảm rằng sự phát triển không gây hại đến các thế hệ tương lai: bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hóa, thúc đẩy những sáng kiến biến các di sản này thành tài sản phục vụ cho sự phát triển và gia tăng hạnh phúc của nhân loại; tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng văn hóa, coi việc thấu hiểu và tôn trọng giữa các nền văn hóa là tiền đề của hòa bình và thịnh vượng.