Dấu ấn Bác Hồ dưới góc nhìn những người ghi sử Hong Kong
Tiến sỹ Tôn Văn Bân, Giám đốc Trung tâm Biên niên sử Hong Kong trả lời phỏng vấn của PV TTXVN. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN) |
Trong chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ba năm sinh sống và làm việc tại Hong Kong (Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc ngày nay).
Thời gian không dài, nhưng vô cùng ý nghĩa khi tại đây Người đã tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thoát khỏi sự giam cầm của chính quyền thực dân sở tại.
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác, phóng viên TTXVN tại Hong Kong đã có cuộc trò chuyện với các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Biên niên sử Hong Kong (Hong Kong Chronicles Institute) về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống ở Hong Kong.
Với Tiến sỹ Tôn Văn Bân, Giám đốc Trung tâm Biên niên sử Hong Kong, có khá nhiều câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tên gọi khi đó là Tống Văn Sơ, trong quãng thời gian Người ở Hong Kong từ năm 1930-1933. Điều khiến bà có ấn tượng sâu sắc nhất chính là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt lựa chọn thời gian và địa điểm phù hợp để tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.
Theo Tiến sỹ Tôn Văn Bân, những năm 1920, phong trào Cộng sản phát triển rất mạnh mẽ trên toàn thế giới nói chung, cũng như tại châu Á nói riêng, với sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 1921) và ở một loạt các quốc gia châu Á khác vào đầu những năm 1930.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó, dưới vai trò người phụ trách Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, được giao nhiệm vụ đến Hong Kong để chỉ đạo hợp nhất 3 tổ chức cộng sản trong nước của Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
Việc lựa chọn thời điểm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/1930, được xem là quyết định sáng suốt. Thời điểm này đúng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán cổ truyền, nên có rất nhiều người xuất hành cầu may, tham quan hoặc ngắm cảnh tại các đình chùa và nơi sinh hoạt công cộng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình đã tận dụng điều này tổ chức hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại khu vực bờ biển đối diện với miếu Hầu Vương gần Tống Vương Đài (Sung Wong Toi) thuộc bán đảo Cửu Long để tránh gây sự chú ý của mọi người cũng như chính quyền sở tại.
Ngày hôm đó, không khí tại miếu Hầu Vương khá nhộn nhịp vì có rất nhiều người đến thắp hương, cầu may cho một năm mới bình an và hạnh phúc, nên sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra một cách an toàn và thuận lợi.
Trợ lý Biên tập Trung tâm Biên niên sử Hong Kong, Sharon Zhang, trả lời phỏng vấn của PV TTXVN. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN) |
Trong khi đó, Trợ lý Biên tập Trung tâm Biên niên sử Hong Kong, cô Sharon Zhang, đánh giá sự kiện hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phong trào cách mạng cũng như sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Cô Zhang cũng bày tỏ vô cùng ấn tượng trước việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thoát hiểm “một cách thần kỳ” trong thời gian ở Hong Kong. Người bị chính quyền sở tại khi đó bắt giam và dự kiến sẽ bàn giao cho thực dân Pháp.
Rơi vào hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm, nhưng với ý chí kiên cường, bản lĩnh vững vàng cùng sự giúp đỡ nhiệt tình và vô tư của luật sư người Anh Loseby, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thoát trong gang tấc để tiếp tục con đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.
Bình luận về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tiến sĩ Tôn Văn Bân đánh giá Trung Quốc và Việt Nam có lịch sử quan hệ lâu đời cùng các hoạt động giao lưu và hợp tác ngay từ rất sớm, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng với tinh thần đoàn kết quốc tế vô tư, trong sáng. Tiến sỹ nhắc lại Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm trở thành một nhà cách mạng hoạt động rất tích cực tại Pháp vào đầu những năm 1920 của thế kỷ trước.
Tại Hội nghị Hòa bình Versailles diễn ra tại Pháp vào tháng 6/1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng lên bảo vệ quyền lợi cho người dân An Nam cũng như một số các nước thuộc địa khác tại Phương Đông. Sau đó, Người đã tham gia và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Vào thời điểm này, một số thanh niên yêu nước Trung Quốc cũng đang du học tại Paris đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu tham gia Đảng Cộng sản Pháp để tìm hiểu và nắm bắt sâu hơn về lý luận cách mạng.
Trong số 5 đảng viên tiền bối của Đảng Cộng sản Trung Quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu tham gia Đảng Cộng sản Pháp khi đó có đồng chí Chu Ân Lai, người sau này là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có thời gian tham gia hoạt động cách mạng cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng Châu (từ năm 1924-1927). Sau khi thoát khỏi nguy hiểm ở Hong Kong, Hồ Chí Minh đã đến Thượng Hải, sau đó đến Diên An (Thiểm Tây), gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông, Tổng Tư lệnh Chu Đức cùng nhiều các lãnh đạo của Trung Quốc, trước khi lên đường đến Liên Xô.
Mối quan hệ thân thiết, chân thành giữa những người Cộng sản hai nước sau đó ngày càng được tăng cường, đặc biệt sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (ngày 1/10/1949) cũng như trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Khi đó, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần xuất hiện trên Nhân dân Nhật báo cùng các báo chí khác của Trung Quốc; nhiều người Trung Quốc cũng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ.
Trong bức thư gửi Hoa kiều tại Việt Nam năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã bày tỏ tư tưởng hòa bình, hữu nghị và hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc Việt-Trung, hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, văn hóa tương đồng.
Năm 2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới Việt Nam và tái khẳng định lại lịch sử quan hệ cũng như tình cảm hữu nghị lâu đời giữa Đảng, nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước trong những năm gần đây, Hong Kong đang đứng ở vị trí trung tâm khá quan trọng, không chỉ là đầu mối giao thông, kinh tế và thương mại, mà còn cả về văn hóa. Hiện nay đang có rất nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hong Kong, ngược lại cũng có rất nhiều doanh nhân Hong Kong tới Việt Nam để đầu tư và kinh doanh.
Theo Tiến sỹ Tôn Văn Bân, trên cơ sở lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có câu chuyện ý nghĩa về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hong Kong, kết hợp với thế mạnh về trung tâm tài chính, văn hóa và giao thông hiện nay của Hong Kong, hai bên cần tăng cường giao lưu và hợp tác để hiện thực hóa mục tiêu cùng phát triển, vì cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc hơn nữa cho người dân.
Theo Mạc Luyện-Xuân Vịnh/TTXVN
https://www.vietnamplus.vn/dau-an-bac-ho-duoi-goc-nhin-nhung-nguoi-ghi-su-hong-kong-post952195.vnp