Dân mua thuốc không cần đơn, Bộ trưởng Y tế nhận trách nhiệm
Sáng nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp nối phần chất vấn và trả lời chất vấn. Có 58 đại biểu quốc hội (ĐBQH) đăng ký chất vấn, trong đó nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến vai trò quản lý giá thuốc của Bộ Y tế, tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động.
Thay vì trả lời từng ĐB, Bộ trưởng Y tế chọn trả lời theo nhóm vấn đề.
Bao giờ chấm dứt dược sĩ kê đơn thay bác sĩ?
ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) nêu tình trạng kháng thuốc đang ở mức báo động, hàng năm có hàng triệu người chết do kháng thuốc và phải chi hàng trăm tỉ đô cho kháng thuốc.
ĐB Dương Minh Ánh
Tại Việt Nam, khảo sát gần 3.000 hiệu thuốc từ nông thôn tới thành thị ở phía Bắc thì có tới 88-91% hiệu thuốc bán không theo đơn bác sĩ.
Chính phủ và Bộ Y tế đã có các quy định và chế tài xử phạt nhưng chưa đủ mạnh nên tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan thậm chí ngày càng gia tăng.
“Trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp nào trong việc lập lại kỷ cương trong việc quản lý các cơ sở buôn bán dược liệu và hạn chế lạm dụng kháng sinh”, ĐB Minh Ánh đặt câu hỏi.
ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cũng cùng trăn trở, ông đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào chấm dứt được tình trạng dược sĩ kê đơn thay bác sĩ?
Thẳng thắn, Bộ trưởng Y tế nói: “Tôi xin nhận trách nhiệm khi dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc không cần theo toa. Trong nhiệm kỳ này ngành sẽ cố gắng để làm, dù rất khó”.
Bộ trưởng cho hay, ngành đã ban hành nhiều thông tư về kê đơn, quản lý quầy thuốc đạt chuẩn nhưng họ không tuân theo.
Bộ trưởng Y tế lần đầu trả lời chất vấn tại QH khoá 14
Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý Dược thí điểm mô hình quản lý, sắp tới sẽ nhân rộng. Đồng thời ngành y tế sẽ đổi mới toàn diện, tuy nhiên hiện lực lượng thanh tra kiểm tra rất mỏng, cả nước mới có 300 người.
Riêng vấn đề lạm dụng kháng sinh, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã trình Chính phủ chiến lược về phòng chống kháng kháng sinh. Cố gắng thời gian tới sẽ chuyển sang kê đơn điện tử, bệnh án điện tử để sử dụng thuốc hợp lý hơn.
Giá thuốc Việt Nam không cao hơn khu vực
ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ vì sao giá thuốc VN hiện vẫn cao hơn mặt bằng khu vực. Ngay chính trong nước cũng có sự chênh lệch giữa các địa phương.
Trả lời, Bộ trưởng Tiến cho biết, vừa qua có tình trạng bệnh nhân đến khám ngoại trú phải mua giá thuốc tại BV cao hơn bên ngoài dù Bộ đã có Thông tư 15 quy định giá bán tại BV không được vượt 10-15% so với giá kê khai. Nguyên nhân, các BV không mua thuốc trúng thầu mà mua các nguồn bên ngoài.
“Chúng tôi đang làm thông tư, quy định BV phải mua đúng theo giá trúng thầu, theo nghị định đấu thầu mà chúng tôi đã ban hành”, Bộ trưởng nói.
Về ý kiến cho rằng giá thuốc VN cao hơn khu vực, Bộ trưởng Tiến bác bỏ.
“Với việc ban hành Nghị định đấu thầu thời gian qua, thị trường thuốc VN ổn định. Trong CPI các mặt hàng thiết yếu, thuốc vẫn đứng thứ 9-10, có nghĩa không tăng đột biến”, Bộ trưởng khẳng định.
Ngoài ra theo đánh giá gần đây của các tổ chức độc lập quốc tế, giá các thuốc biệt dược, thuốc generic của các bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường của VN so với 6 nước ASEAN đều thấp hơn 10%, trong khi thuốc Thái Lan, Philippines lần lượt cao hơn 37% và 19%.
Với các thuốc generic khác, Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực hơn 33%, trong khi Philippines và Indonesia lần lượt cao hơn 72% và 20%.
“Do đó nếu nói giá thuốc cao hơn thế giới và các nước thì phải có số liệu và đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế”, Bộ trưởng Tiến nói.
Hỏi cụ thể hơn, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng đang có tình trạng loạn giá thuốc khi không có niêm yết giá, hoặc có thì mỗi nơi một khác.
Ông đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ có giải pháp gì trong quản lý giá thuốc để người bệnh không bị thiệt thòi do mua thuốc với giá không hợp lý.
“Cử tri cho rằng giá nhập khẩu thuốc có khoảng cách chênh lệch khá xa với giá bán tại quầy thuốc, kể cả thuốc ở BV. Nhập vào giá thấp, bán ra giá cao gấp nhiều lần nên lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp dược là kếch xù còn thiệt thòi thuộc về người bệnh và ngân sách nhà nước. Bộ trưởng có suy nghĩ gì”, ĐB Đồng Tháp chất vấn.
Bộ trưởng Tiến cho rằng việc giá giữa quầy thuốc bán lẻ khác nhau là do theo quy luật thị trường. Lĩnh vực này có ban thanh kiểm tra liên ngành, nếu không kê khai sẽ bị xử phạt hành chính.
Với thuốc trong BV, Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ điều chỉnh Thông tư 11, áp giá quầy thuốc BV phải bằng giá BV đã mua.
Với gần 700 thuốc biệt dược còn bản quyền, giá cao, Bộ trưởng Tiến cho biết sắp tới sẽ áp dụng hình thức đàm phán giá, mua sắm tập trung hy vọng mua được thuốc giá rẻ hơn.
Với gần 500 loại thuốc gần hết hạn bảo hộ độc quyền giá cao đang đưa vào đấu thầu rộng rãi để phấn đấu giảm thêm 10% giá thuốc.
Theo VietnamNet