Đám cưới chi cả đống tiền, mời thật đông khách cuối cùng được gì?
Nhiều người cho rằng hạnh phúc của một cuộc hôn nhân tỷ lệ thuận với số lượng khách mời tham dự. Vì thế, họ cố gắng tổ chức hôn lễ thật xa hoa, hoành tráng, mời tất cả bạn bè, đồng nghiệp và anh em họ hàng... đến chung vui.
Nhưng cũng có một số người không thích sự ồn ào, náo nhiệt. Điều họ muốn là lễ cưới giản dị, đầm ấm bên cạnh những người thân yêu.
Phải làm thế nào để có được một đám cưới đầm ấm và vui vẻ? Ảnh: Vforum. |
Trò chuyện với Zing.vn, Thùy Lâm (28 tuổi, Hà Tĩnh) cho hay đầu tháng 6, cô sẽ kết hôn. Mặc dù vậy, ngoài việc hoàn thiện bộ ảnh cưới, cả cô và gia đình vẫn bất đồng, chưa thể thống nhất về số lượng khách mời, thực đơn món ăn đãi khách…
"Tôi chỉ muốn mời những người thực sự thân quen đến chung vui. Nhưng bố mẹ tôi thì ngược lại, lấy lý do mình là con cả nên hai người muốn mời tất cả bạn bè đến tham dự.
Đã thế, thằng em tôi còn có ý định sẽ mời bạn của nó nữa. Tôi thực sự mệt mỏi, không biết nên làm thế nào cho phải", 9X tâm sự.
Những lo lắng ấy không phải câu chuyện của riêng Thùy Lâm, mà là nỗi lòng của nhiều bạn trẻ.
Đám cưới muốn vui nhất định phải hoành tráng?
Thu Hiền (24 tuổi, Nghệ An) đang là cô gái độc thân vui tính. 9X tự nhận mình là người cầu toàn, thích sự náo nhiệt.
"Tôi muốn sau này tổ chức lễ cưới ở một nhà hàng sang trọng cùng sự có mặt của tất cả anh em, bạn bè. Tôi cảm thấy nếu như thế, hạnh phúc và niềm vui của tôi sẽ được nhân lên nhiều lần", Hiền bày tỏ.
Có thể những thứ xa hoa ấy làm cho nhân vật chính cảm thấy thỏa mãn, hài lòng, nhưng liệu điều đó có thật sự khiến cho những khách mời cảm thấy trầm trồ, thích thú hay chỉ thấy chán chường, mệt mỏi?
Từng tham dự đám cưới của cô bạn thân được tổ chức ở một nhà hàng cao cấp, Vân Anh (27 tuổi, Nghệ An) chia sẻ cô cảm thấy khá mệt mỏi.
"Tôi đã đau đầu kiếm cho mình một bộ trang phục để 'không quê'. Đến đó rồi, tôi lại càng mệt mỏi hơn, chẳng thể nhìn ra được ai thân quen giữa 'biển người'. Thậm chí, mang tiếng là bạn thân của cô dâu nhưng tôi không có nổi một bức hình làm kỷ niệm, vì cô ấy còn bận chào hỏi khách mời", Vân Anh kể.
Phải công nhận chẳng có một điều lệ nào quy định hay hướng dẫn nên làm gì để có được đám cưới vui, trọn vẹn. Chỉ có những người trong cuộc mới đánh giá, cảm nhận được điều đó.
Cũng bởi thế, chẳng có gì lạ khi mỗi người có một ý tưởng tổ chức hôn lễ khác nhau.
Mỗi người có một quan điểm, lý lẽ riêng trong việc bảo vệ cảm xúc của mình. Ảnh: Pngtree. |
Thật ra nhiều người vẫn thường thích sĩ diện. Với họ, mọi thứ phải thật hoành tráng, xa hoa thì mới thấy hài lòng.
"Năm 2016, nhà tôi tổ chức lễ cưới cho con trai. Vì nó là đứa con đầu tiên lập gia đình, lại là con cả nên chúng tôi mời rất nhiều khách khứa, tổ chức tiệc mừng trong hai ngày.
Khi lên kế hoạch nghĩ rằng sẽ hoành tráng và vui lắm, nhưng thực tế thì mệt mỏi vô cùng. Lo xong đám cưới cho nó, vợ tôi phát ốm vì quá lo lắng", bác Trần Đông (59 tuổi, Hà Tĩnh) chia sẻ với Zing.vn.
Nửa thật, nửa đùa, bác Đông còn nói rút kinh nghiệm để sau này khi cô con gái út lấy chồng, gia đình sẽ tổ chức đơn giản, chỉ mời họ hàng và những người thân quen thôi, như thế vừa khỏe người, vừa vui hơn.
Khi khách mời trở thành 'khách hàng bất đắc dĩ'
Chẳng biết từ bao giờ, việc được mời cưới lại trở thành nỗi "khiếp sợ" khó giải thích của nhiều người.
"Mới giữa tháng mà tôi đã nhận được hai thiệp mời cưới từ cô bạn thời cấp 2 và chị đồng nghiệp cũ. Không biết tôi có nên đi không nữa vì cũng chẳng thân thiết gì mấy.
Nếu đi thì sẽ phải chuẩn bị áo quần, đầu tóc và... tiền mừng. Mà không đi thì thấy ngại", Hà Anh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ.
Đừng khiến người khác phải mệt mỏi, khó xử mỗi khi nhận được thiệp mời cưới. Ảnh: Ask.fm. |
Chẳng cần thân thiết, thấu hiểu nhau, chỉ cần biết tên là sẽ mời. Không biết người ta mời vì thực sự coi trọng đối phương, hay là đang kín đáo kinh doanh sinh lời nữa?
Có không ít người rơi vào tình huống "dở khóc dở cười". Họ đến dự vì trước đó "trót" mời người ta đến hôn lễ của mình nên bây giờ phải "trả nợ". Đến ăn rồi về, vì chẳng thân quen ai, còn cô dâu, chú rể thì đang bận với những nghi lễ.
Chia sẻ với Zing.vn, Quang Dũng (25 tuổi, Hà Tĩnh) cho biết đã có không ít lần anh nhận được lời mời cưới từ những người bạn ở xa mình cả trăm cây số. 9X thắc mắc không biết có nên đi hay không, nhưng vì nghĩ từng là những đứa bạn "cởi truồng tắm mưa" cùng nhau nên vẫn gửi quà chúc mừng.
"Từ Sài Gòn về Hà Tĩnh để có mặt ở đám cưới phải tốn cả mớ tiền, đó là chưa kể ảnh hưởng đến công việc. Thế nên tôi đã chuyển khoản mừng nó. Sau này, nếu cưới vợ mà tổ chức ở thành phố, chắc tôi cũng không mời những bạn bè ở xa đâu, như thế khó xử cho cả hai bên", Dũng nói.
Thực tế, nhiều đám cưới mà khách mời của cô dâu, chú rể thì ít, chủ yếu là bạn bè, đối tác làm ăn của cha mẹ.
Những vị khách đồng ý nhận lời mời nhưng trong lòng không ngừng thắc mắc, không biết mặt mũi của cô dâu, chú rể trông thế nào. Thậm chí, lần đầu tiên mới biết đến tên khi cầm tấm thiệp.
Mang tiếng là đến chúc mừng hạnh phúc cho đôi trẻ, song vấn đề họ quan tâm và say sưa trao đổi cùng nhau lại là công việc làm ăn, biến động thị trường... mà chẳng hề chú ý đến hai nhân vật chính.
Chẳng thể xác định nổi cuối cùng đó là lễ kết hôn hay buổi gặp mặt, học hỏi kinh nghiệm làm ăn giữa mọi người với nhau.
Đáng thương cho cô dâu, chú rể lẽ ra phải là trung tâm chú ý của bữa tiệc, rạng rỡ hạnh phúc trong ngày trọng đại của mình thì nay lại phải mệt mỏi, "tay bắt mặt mừng" với những người chưa từng biết mặt.
'Tôi sẽ không dự đám cưới của người không thân quen'
Ngọc Minh (28 tuổi, Hà Nội) cho hay nhiều lần đi đám cưới bạn bè và cả người thân, anh chứng kiến sự "hờ hững" của những vị khách lạ.
Giây phút cô dâu, chú rể trao nhẫn cho nhau, thay vì vỗ tay chúc mừng, phía dưới vẫn có người "bận" nâng ly giao lưu với những người cùng bàn. Thậm chí, khi hôn lễ đang diễn ra, cũng có khách mời thản nhiên ra về vì... đã ăn uống xong.
"Tôi sẽ từ chối lời mời đến đám cưới của những người tôi không thân. Và cũng không có ý định mời tất cả người tôi biết đến dự đám cưới của mình. Như vậy chỉ làm khó cả hai, đến vì miễn cưỡng sẽ chẳng ai thấy thoải mái", Ngọc Minh bày tỏ quan điểm.
Khác với Ngọc Minh, một số người cho rằng hôn lễ chính là cơ hội để phát triển các mối quan hệ. Biết đâu được ở đó, bạn sẽ tìm được tri kỷ hay những cộng sự tiềm năng.
Lê Đạt (chuyên viên đo vẽ) cho Zing.vn biết anh lấy được vợ nhờ lần đi đám cưới bạn ở cùng dãy trọ.
"Lúc đầu, tôi định không đi vì không quen biết ai ngoài chú rể, đến sợ ngại. Nhưng nghĩ nếu không đến, hôm sau gặp nó lại càng ngại hơn, thế là đi. Ai ngờ đến đó, tôi lại được xếp ngồi chung với Mai, nói chuyện qua lại thấy ấn tượng nên chúng tôi xin số điện thoại của nhau.
Bây giờ, cô ấy đã là vợ của tôi. Tôi thấy mình thật sáng suốt khi hôm ấy đã chịu đến tham dự lễ cưới của bạn".
Thật ra, chúng ta cũng không cần mệt mỏi suy nghĩ chuyện nên đi hay không đến đám cưới của những người mình không thân, ít tiếp xúc. Bởi quyết định cuối cùng vẫn là ở chính mỗi chúng ta.
Bạn có thể lựa chọn từ chối nếu như chắc chắn rằng không cần duy trì mối quan hệ giữa hai người và bạn cảm thấy thoải mái khi không đến đó.
Còn nếu bạn cảm thấy mình là người sống hướng ngoại, muốn kết giao nhiều bạn bè và quan trọng trong tương lai, có thể hai người sẽ có nhiều lần "chạm mặt" hay hợp tác với nhau thì nên suy nghĩ trước khi quyết định từ chối.
Hóa ra hạnh phúc không phải thứ gì cao xa
Chia sẻ về đám cưới của mình, Ánh Hồng (30 tuổi, Nghệ An) nói tháng 12 năm ngoái, cô kết hôn. Buổi tiệc diễn ra cũng khá đơn giản nhưng thoải mái, ấm áp và cô thấy hài lòng.
"Đám cưới của tôi được tổ chức tại nhà với sự tham gia của gần 100 khách mời. Đó là anh em, họ hàng và những người bạn thực sự thân thiết", Hồng chia sẻ.
Cô cũng nói thêm có một số bạn bè rất thân nhưng vì ở quá xa nên cô không gửi thiệp mời. Chỉ sau khi mọi việc đã xong, cô mới thông báo và giải thích lý do. Bạn bè đều hiểu và thật lòng chúc phúc cho cô.
Một đám cưới trọn vẹn đâu nhất thiết phải là đèn hoa rực rỡ, nhà hàng sang trọng, chỉ cần bên cạnh những người thân yêu, nói với nhau câu chúc mừng thế cũng đủ hạnh phúc rồi. Ảnh: Pngtree. |
Cùng chung suy nghĩ với Ánh Hồng, Thanh Tâm (24 tuổi, giáo viên mầm non) tâm sự ngày 18/5 vừa qua, cô kết hôn. Gia đình Tâm quyết định không tổ chức linh đình mà chỉ là bữa cơm thân mật giữa những người thân yêu.
Hữu Nhân (25 tuổi) cho hay anh từng tham gia đám cưới của cậu bạn ở chung phòng thời đại học và thật sự ấn tượng với phong cách buổi tiệc hôm ấy.
"Mọi thứ diễn ra rất giản dị, ngay tại vườn nhà cậu ấy. Khách đến tham dự không quá nhiều, nhưng ngạc nhiên là mọi người đều thân thiết, biết hết tên nhau, một số người còn biết cả tên tôi.
Điều nữa tôi thích là mọi người thoải mái nhưng cũng rất tôn trọng nhau, không có chuyện ép nhau uống bia rượu như những đám cưới khác tôi từng tham gia. Thậm chí, cho dù là con trai, bạn vẫn có thể thoải mái sử dụng nước ngọt để chúc mừng hai nhân vật chính", 9X kể.
Xem thêm:
Bố mẹ nói lời cay nghiệt, con trẻ lớn lên thích mỉa mai người khác Khi còn giữ thói quen châm chọc và làm tổn thương người khác, tôi không suy nghĩ nhiều về hậu quả của nó. Tôi chỉ ... |
Sai lầm của cha mẹ biến anh thành triệu phú, em thành vô gia cư Cùng một bệ xuất phát, nhưng Ivan (Anh) sớm trở nên thành công, trong khi em trai David ngày càng thảm hại vì luôn phán ... |
Cha mẹ ly hôn – Những đứa trẻ sẽ lớn lên thế nào? Cách ứng xử của người bố và người mẹ sau ly hôn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách của những ... |