Đại sứ Nguyễn Quang Khai nói về ba nhân vật khuynh đảo thế giới năm 2017
Việc chọn 10 nhân vật tiêu biểu nhất của năm trong các lĩnh vực khác nhau đã trở thành tập quán quen thuộc trước ngưỡng cửa bước sang năm mới. Năm 2017 đầy ắp các sự kiện, có nhiều người xứng đáng được lựa chọn vào danh sách này.
Tuy nhiên, tôi chỉ chọn 3 nhân vật có ảnh hưởng nhất của năm nay, không chỉ do tên tuổi của họ được các giới chính trị, kinh tế, quân sự và truyền thông nhắc tới nhiều nhất, mà là do tầm nhìn của họ đang tạo ra những sự thay đổi lớn trong quan hệ quốc tế và ảnh hưởng của họ sẽ còn lan toả hết sức to lớn trong thời gian tới trên cấp độ toàn cầu.
Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cho đến bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, Tổng thống được bầu là một doanh nhân. Trong khi Tổng thống tiền nhiệm nhận lương 400 ngàn USD/năm thì ông chỉ nhận một mức lương tượng trưng là 1 USD/năm.
Khẩu hiệu của ông là "Nước Mỹ trên hết" và "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" trở thành mục tiêu xuyên suốt trong đường lối đối nội và đối ngoại của ông.
Khác với các đời Tổng thống trước đây, ngay sau khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã thay đổi hầu hết các chính sách đối nội, đối ngoại của người tiền nhiệm và đưa ra những quyết định mang tính chất gây sốc. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng ông Donald Trump là một Tổng thống thành công về đối nội nhưng thất bại về đối ngoại.
Tổng thống Donald Trump có một năm thành công về đối nội nhưng thất bại về đối ngoại. Ảnh: AP
Một năm sau khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump phải chật vật đối phó với không ít khó khăn do sự chống đối của đảng Dân chủ, quan hệ không suôn sẻ với Quốc hội và các phương tiện thông tin chĩa mũi dùi vào ông, uy tín của ông sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, thành công của nền kinh tế Mỹ đang làm lay chuyển dự đoán của nhiều chuyên gia, trong đó có nhà kinh tế học nổi tiếng của Mỹ Paul Krugman, từng đoạt giải Nobel cho rằng Donald Trump lên làm Tổng thống sẽ đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng lớn hơn năm 2008.
Lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay, kinh tế Mỹ đã đạt được mức tăng trưởng trên dưới 3%, giảm đáng kể số người nhập cư bất hợp pháp, giảm thuế và tạo được nhiều công ăn việc làm cho dân Mỹ. Đây là những kết quả ấn tượng.
Về đối ngoại, ông Donald Trump không thực hiện được kết quả nào đáng để ghi nhận. Những cam kết của ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử về việc giải quyết các điểm nóng trên thế giới đã không được thực hiện.
Những người hy vọng vào lời hứa của ông về cải thiện quan hệ với Nga đã bị thất vọng. Những tuyên bố và hành động của ông đang gây leo thang căng thẳng với Iran, Triều Tiên và các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Đặc biệt, việc ông tuyên bố công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel đã làm rung chuyển thế giới, lật ngược tiến trình hoà bình Trung Đông, tự đặt Mỹ vào thế đối đầu với toàn thế giới.
Trong một thời gian dài bị Mỹ và phương Tây lấn lướt sau Chiến tranh Lạnh và Liên Xô tan rã, năm 2017 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Con gấu Bắc cực tại Trung Đông. Dưới sự dẫn dắt của Tổng thống V. Putin, Nga đang củng cố và mở rộng ảnh hưởng của mình một cách vững chắc tại khu vực địa chính trị quan trọng này.
Căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân tại Hmeymin ở Syria đang giúp Nga củng cố thế đứng của mình tại Trung Đông.
Với sự giúp đỡ quân sự có hiệu quả của Nga, chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad được giữ vững, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS bị đánh bại, chính phủ Syria giành lại được quyền kiểm soát toàn bộ đất nước và bước vào đàm phán với các lực lượng đối lập trên thế mạnh.
Dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Putin, Nga củng cố vị thế của mình tại Trung Đông.
Có thể nói Nga đang chủ động ra đòn và đẩy Mỹ vào thế đối phó. Nhiều nước đã phải thay đổi quan điểm, không còn đòi Tổng thống Bashar Al-Assad phải ra đi là điều kiện tiên quyết nữa.
Với thắng lợi to lớn này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi và đặc biệt là Vua Salman Abdulaziz của Ả rập Xê-út đã tiến hành chuyến thăm lịch sử tới Moscow, chuyển hướng sang quan hệ với Nga.
Thông qua các chuyến thăm cấp cao này và chuyến thăm của Tổng thống V. Putin đến Syria, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-12/12 vừa qua, Nga đã thiết lập được mối quan hệ chiến lược với các nước có ảnh hưởng nhất ở khu vực Trung Đông.
Một liên minh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ được hình thành đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết các cuộc xung đột tại đây. Mặc dù vẫn duy trì cấm vận chống Nga, Mỹ và các nước phương Tây phải thừa nhận vai trò toàn cầu của Nga.
Đầu năm 2017, Mỹ đã đưa hàng loạt tàu chiến, máy bay hiện đại đến khu vực Đông Bắc Á áp sát lãnh thổ Triều Tiên kèm theo những lời đe doạ mang tính chất khiêu khích của Tổng thống Donald Trump.
Khi đó nhiều người cho rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cuối cùng Mỹ đã phải chùn bước trước thái độ cứng rắn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngày 12/12/2017, phát biểu tại Cơ quan nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề nghị khởi động lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên mà không kèm theo bất cứ điều kiện tiên quyết nào.
Sau vụ thử tên lửa vào sáng sớm 29-11, ông Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã hoàn thành chương trình hạt nhân. Ảnh: KCNA / EPA
Bất chấp những lời đe dọa của Mỹ và lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, năm 2017 Triều Tiên đã thực hiện 15 vụ thử tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân lần thứ 6. Mới đây nhất, ngày 29/11/2017 Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa Hwasong-15 có thể mang đầu đạn hạt nhân và có thể vươn tới lãnh thổ của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thừa nhận tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên trái đất.
Việc Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân đang bị thế giới lên án, và không ai có thể biện minh cho Bình Nhưỡng, nhưng phải nói Mỹ đã góp phần đẩy họ tới chỗ phải làm như vậy. Tháng 9/2017, Mỹ bắn tin muốn đối thoại với Triều Tiên và không có kế hoạch tập trận đến mùa Xuân sang năm để tạo không khí chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ.
Tuy nhiên, sau đó Mỹ lại tiến hành tập trận vào tháng 10/2017 và tuyên bố tập trận chung Mỹ-Nhật lớn chưa từng có ngay sát biên giới Triều Tiên vào tháng 11/2017. Đó là còn chưa kể tới việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Hàn Quốc và đã từng tuyên bố mục tiêu lật đổ ông Kim Jong-un.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở trong tình thế khó khăn trong vấn đề Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ, những lời đe dọa chiến tranh và sức ép ngoại giao đến nay đều không làm cho Triều Tiên nhụt trí.
Mục tiêu của ông Kim Jong-un là buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán nhưng nói chuyện với Mỹ trên thế mạnh. Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến nước Mỹ là con át chủ bài và "Gã tên lửa" Kim Jong-un sẽ còn là một ẩn số đối với Tổng thống Donald Trump trong cuộc chơi sắp tới.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai