Đại học Hải Phòng: sôi nổi các hoạt động đối ngoại nhân dân
Một ngày cuối tháng 5/2024, Trường Đại học Hải Phòng chào đón đoàn đại biểu của Hiệp hội Bảo tồn nghệ thuật Chuncheon Duturu Nongak, Hàn Quốc đến giao lưu, biểu diễn nghệ thuật. Đây là nội dung thuộc khuôn khổ Đề án Liên kết với các đối tác quốc tế để tổ chức các chương trình, hoạt động ngoại giao văn hóa của thành phố giai đoạn 2024-2025.
Các nghệ sĩ thuộc Hiệp hội Bảo tồn nghệ thuật Chuncheon Duturu Nongak, Hàn Quốc biểu diễn tại Trường Đại học Hải Phòng. (Ảnh: dhhp.edu.vn) |
Tại chương trình, các nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc đã giới thiệu đến các sinh viên Trường Đại học Hải Phòng những nét văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Nghệ thuật Samulnori là một nét văn hóa truyền thống của Hàn Quốc suốt hàng trăm năm nay. Samulnori là hình thức biểu diễn nhảy múa ca hát với sự kết hợp điêu luyện của 4 loại nhạc cụ thô sơ, trong đó hai nhạc cụ bằng da đại diện cho âm thanh của Trái Đất, hai nhạc cụ bằng kim loại đại diện cho âm thanh của thiên đàng. Samulnori đã tạo nên nhiều nhịp điệu mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng, miêu tả trọn vẹn đời sống của người dân Hàn Quốc. Năm 2014, UNESCO đã công nhận Samulnori là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Arirang” một trong những bài hát dân ca mang tính biểu tượng cho văn hóa, lịch sử và tâm hồn của người dân Hàn Quốc, đặc biệt còn được xem là “quốc ca không chính thức” của đất nước này.“Arirang” mang hàm ý là “sự vượt qua”. Nhịp điệu khoan thai và chậm rãi toát lên sự trầm lắng nhưng lại chất chứa những ước mơ, hy vọng. Năm 2012, bài dân ca "Arirang" nổi tiếng của Hàn Quốc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật nói trên là nội dung thuộc khuôn khổ Đề án Liên kết với các đối tác quốc tế để tổ chức các chương trình, hoạt động ngoại giao văn hóa của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2025. Đây cũng là dịp để sinh viên Trường Đại học Hải Phòng trải nghiệm trực tiếp loại hình nghệ thuật, văn hóa Hàn Quốc, góp phần vào tăng cường kiến thức hội nhập, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị hai đất nước.
Cho đến nay, Trường Đại học Hải Phòng đã ký kết hơn 60 thỏa thuận hợp tác về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học với các đối tác nước ngoài từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Nga, Phần Lan, Bulgaria... Trường có quan hệ đối tác thường xuyên với các tổ chức nước ngoài, đại sứ quán và cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam như Quỹ Nhật Bản, Quỹ Hàn Quốc, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Văn phòng tiếng Anh khu vực - Đại sứ quán Hoa Kỳ (RELO), Viện Anh ngữ Hoa Kỳ (ELIC), Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội… Trường là thành viên tích cực của Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - Trung Quốc lưu vực sông Hồng, thành viên của Hiệp hội các trường đại học các nước lưu vực sông Mekong - Lan Thương.
Một trong những hoạt động nổi bật trong hợp tác quốc tế của trường trong thời gian qua là công tác đào tạo lưu học sinh nước ngoài. Hàng năm nhà trường tiếp nhận 200-300 lưu học sinh Trung Quốc, Lào, Nhật Bản sang học tập, thực tập.
Nhằm hỗ trợ các lưu học sinh nước ngoài nhanh chóng thích nghi với điều kiện sinh hoạt và môi trường học tập tại Hải Phòng, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giữa sinh viên Việt Nam với lưu học sinh nước ngoài. Các chương trình Rung chuông vàng, Sắc màu văn hóa được tổ chức thường niên, chương trình Bánh chưng xanh, chương trình đón Tết Bunpimay (Lào)… thu hút sự tham gia của hàng trăm sinh viên các nước, tạo nên một không gian giao lưu, chia sẻ và trao đổi văn hóa, giúp các bạn trẻ có thêm cơ hội hiểu biết về những nền văn hóa khác nhau, phát triển kỹ năng giao tiếp đa dạng, là cầu nối gắn kết thanh niên, sinh viên các nước.
Nhà trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới lưu học sinh nước ngoài. Trong thời gian dịch bệnh Covid19, trường phối hợp với các Sở, ngành liên quan của Thành phố triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe, giúp các em yên tâm học tập tại Hải Phòng: 100% lưu học sinh được tiêm vaccine, tổ chức bếp ăn cho lưu học sinh tại khu kí túc xá, hỗ trợ tiền sinh hoạt cho các em…
Đặc biệt, Trường Đại học Hải Phòng đã phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Lào Thành phố, Chi hội hữu nghị Việt Nam - Lào Quận Kiến An, huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… tổ chức cho lưu học sinh Lào tham gia các chuyến đi về nguồn, hành trình hữu nghị tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Nội… Nhiều chương trình giao lưu, gặp mặt giữa sinh viên Lào với các cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào được tổ chức.
Những hoạt động hợp tác và giao lưu trên đã góp phần xây dựng, giữ gìn và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước nói chung, giữa thành phố Hải Phòng với các địa phương nước ngoài, giữa Trường Đại học Hải Phòng với các đơn vị đối tác nói riêng.
Sinh viên Trường Đại học Hải Phòng biểu diễn trong chương trình giao lưu văn nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. (Ảnh: dhhp.edu.vn) |
Theo đại diện Trường Đại học Hải Phòng, để thúc đẩy công tác đối ngoại nhân dân và hội nhập quốc tế trong thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, sinh viên về đường lối, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, trường tích cực triển khai công tác thông tin đối ngoại, xây dựng những sản phẩm chất lượng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và thành phố Hải Phòng tới bạn bè quốc tế.
Nhà trường tiếp tục chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác nước ngoài, tập trung vào các đối tác ở các nước láng giềng có chung biên giới, như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước ASEAN… Đa dạng hóa nội dung, hình thức các chương trình giao lưu, hợp tác nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại.
Đại diện Trường Đại học Hải Phòng mong muốn Sở Ngoại vụ Thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố và các Hội hữu nghị Thành phố Hải Phòng tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ, hướng dẫn nhà trường trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác và triển khai hiệu quả các chương trình, các hoạt động đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế.