Đại gia ngành chăn nuôi chưa hết lo dù giá lợn tăng
Nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc đẩy giá lợn hơi tăng mạnh
Nhờ việc thương lái Trung Quốc nhập khẩu trở lại lợn hơi từ Việt Nam trong khoảng 2 tuần qua, giá thịt lợn hơi đã bắt đầu phục hồi. Tại nhiều địa phương, giá thịt lợn hơi tăng theo ngày, thậm chí tăng theo giờ. Tuần trước, giá thịt lợn hơi ở Hà Nội tăng 12,5% lên 28.000 đồng/kg, nhưng chỉ trong 1 tuần qua đã tăng lên 38.000 - 40.000 đồng/kg, người chăn nuôi bắt đầu có lãi.
Cùng với sự phục hồi của nhu cầu, nguồn cung lợn đã giảm bớt. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng đàn lợn trên toàn quốc đã giảm 3,67% còn 27,23 triệu con trong 6 tháng đầu năm 2017, dù sản lượng thịt vẫn tăng 2,7% lên 2,2 triệu tấn. Trong năm ngoái, đàn lợn đã tăng mạnh 4,8% khi ngày càng nhiều nhà sản xuất quy mô lớn gia nhập thị trường này.
Giá thịt lợn hơi đang trên đà tăng là thông tin tích cực cho các doanh nghiệp như Masan (MSN), Hòa Phát (HPG) và GTNfoods (GTN). Đây là những doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn. Trong khi MSN và HPG trực tiếp sản xuất thức ăn chăn nuôi, GTN gián tiếp sản xuất thông qua việc sở hữu 65% cổ phần tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico).
Giá thịt lợn cũng tăng mạnh theo giá lợn hơi
Cả 3 doanh nghiệp trên đều bị thiệt hại khi số lượng đàn lợn sụt giảm. Theo đánh giá, trong số 3 công ty trên, mức độ ảnh hưởng lên MSN là lớn hơn nhiều do mảng protein động vật đóng góp quan trọng vào doanh thu của công ty (khoảng 56% doanh thu) so với HPG (4,23%) và GTN (chỉ 4%).
Năm 2017, HSC dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) thuộc về cổ đông công ty mẹ MSN tăng 11,6%, đạt 3.115 tỷ đồng và doanh thu thuần đạt 47.459 tỷ đồng, tăng 9,6%. Đối với HPG, HSC dự báo doanh thu thuần là 40,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 20,7%) và LNST là 7,43 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 12,4%). Doanh thu từ thức ăn chăn nuôi dự báo tăng 25%, đạt 1.699 tỷ đồng. Đối với GTN, HSC dự báo LNST công ty mẹ năm 2017 tăng trưởng 254% nhờ hợp nhất VLC, đạt 54 tỷ đồng.
Hiện, tín hiệu lạc quan từ thị trường không giúp cho giá cổ phiếu của 3 doanh nghiệp này khởi sắc, thậm chí còn bị giảm giá trong khoảng 10 ngày vừa qua. Cụ thể, cổ phiếu MSN giảm 1,8%, GTN giảm 0,3%; và HPG giảm 2,9%. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, chỉ HPG có sự vượt trội với mức tăng giá 19% so với đầu năm, trong khi MSN giảm 1,7% và GTN tăng nhẹ 2%.
Các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi vẫn đang gặp khó dù giá lợn tăng
Đối với MSN và HPG, thức ăn chăn nuôi hay chăn nuôi là mảng kinh doanh mới và cả 2 doanh nghiệp này đều có kế hoạch phát triển toàn diện mảng thức ăn chăn nuôi và protein động vật trong tương lai. Do đó, diễn biến giá thịt lợn là yếu tố quan trọng trong triển vọng dài hạn của mảng kinh doanh này.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính đối với lợn hơi của Việt Nam nhưng chỉ xuất theo đường tiểu ngạch, không có những thỏa thuận chính thức và thương lái Trung Quốc có thể đột ngột dừng mua bất cứ lúc nào. Vì thế, với sự gia nhập ngành của nhiều doanh nghiệp lớn cùng nỗ lực cải thiện chất lượng, nhiều sản phẩm thịt lợn giá trị gia tăng lớn sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc, hướng đến thay thế xuất khẩu lợn hơi như hiện tại.
Hồng Anh