Đại biểu "Quốc hội trẻ em" thảo luận 02 nhóm vấn đề lớn
Phiên họp giả định của "Quốc hội trẻ em"
Phiên họp giả định toàn thể có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một phiên họp giả định mang tên "Quốc hội trẻ em", do các bạn nhỏ đóng vai Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, các Bộ trưởng.
Điều hành phiên họp là các bạn nhỏ tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực đóng vai các vị trí chủ chốt: em Đặng Cát Tiên (Khánh Hòa) - "Chủ tịch Quốc hội trẻ em", em Lê Quang Vinh (Hòa Bình) - "Phó chủ tịch thường trực Quốc hội trẻ em". Các "Phó chủ tịch" gồm Đàm Hà My (Bắc Giang), Kiều Quang Huy (Bình Thuận), Nguyễn Thế Mạnh (Tuyên Quang).
263 đại biểu trẻ em tiêu biểu toàn quốc tham dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em". (Ảnh: quochoi.vn) |
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu trẻ em Hoàng Trà My, Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An dẫn kết quả khảo sát trên 41.000 cử tri trẻ em được thực hiện trước phiên họp cho thấy: có tới 11,96% trẻ em cho rằng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em thỉnh thoảng xảy ra. Các hành vi xâm hại như tát, đấm, đá, xúc phạm danh dự được đánh giá là xảy ra ở mức độ đặc biệt cao, trên 30%; 44,5% trẻ em tìm phương án giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực; 44,6% trẻ bị tai nạn thương tích là do bị bạn bè lôi kéo vào các hoạt động không an toàn...
Đại biểu Hoàng Trà My đề xuất các cơ quan chức năng tại địa phương quan tâm trang bị các biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, ngã ba, ngã tư tại các thôn, xóm. Cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, tránh tại nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ em như kịch tương tác, tiểu phẩm, các trò chơi, các cuộc thi vẽ tranh cổ động…
Nhà trường cần quan tâm đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường, tích hợp thường xuyên trong các môn học; thầy cô cởi mở hơn trong trao đổi với các em. Hướng dẫn để trẻ em biết cách trình báo, tố cáo vụ việc tới các cơ quan, chức năng. Đài phát thanh, truyền hình cần có trang fanpage chia sẻ lại các bài truyền thông trên truyền hình, tạo các clip truyền thông ngắn, vui nhộn trên các nền tảng mạng xã hội mà trẻ em hay truy cập như instagram, tictok…
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. |
Đại biểu trẻ em Bùi Thị Quỳnh Chi, Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, nhà trường cần tăng cường các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của học sinh, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phòng tư vấn học đường. Đồng thời tăng cường sự phối hợp với gia đình trong quản lý, giáo dục con; tập huấn cho các thầy cô phương pháp nắm bắt tâm lý, các kỹ năng tư vấn, làm việc với trẻ em để hiểu tâm lý và giúp đỡ học sinh.
Đại biểu Phạm Nguyễn Gia Hân, Đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng đề nghị phát triển các trung tâm tư vấn tâm lý học đường ở tất cả các trường học, có các bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp để giúp học sinh giải quyết những vấn đề khó khăn của mình.
Hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu trẻ em Khúc Trà Giang, Đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng đề nghị nhà trường đưa nội dung an toàn trên không gian mạng vào các bộ môn trong trường học như Giáo dục công dân, tin học.
"Chủ tịch Quốc hội trẻ em" Đặng Cát Tiên phát biểu. (Ảnh: daibieunhandan.vn) |
Nhà trường cần chú trọng hơn trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em có thể tự bảo vệ bản thân và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; mở rộng hình thức trình bày câu chuyện ngắn có hình ảnh dễ thương, đối thoại giữa các nhân vật phản ánh trực tiếp hiện tượng sẽ giúp các em hứng thú hơn, vừa có hình ảnh trực quan sinh động mà không bị nặng tính lý thuyết. Đồng thời, có các chương trình tập huấn cho phụ huynh về an toàn mạng và kỹ năng quản lý con cái sử dụng mạng.
Về phía trẻ em, cần lập thời khóa biểu phù hợp, kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại của chính mình; tham gia các hoạt động của trường lớp, hạn chế xem điện thoại quá nhiều. Nâng cao ý thức và bảo vệ bản thân khỏi các tình huống xấu trên không gian mạng; không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mà chỉ nên sử dụng internet để tham khảo học tập, học hỏi kỹ năng sống...
Đại biểu Phạm Minh Ánh, Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề nghị, các nhà mạng cần phải có giải pháp kỹ thuật hoặc đưa ra những yêu cầu khi sử dụng mạng, chẳng hạn có các phần mềm để kiểm soát. Nếu bất kì ai đăng hình ảnh nhạy cảm... thì lập tức nhận biết những hình ảnh đó vi phạm quy chế cộng đồng, nên loại bỏ và không được phép đăng.
Phát biểu tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, mô hình phiên họp Quốc hội giả định nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Ý kiến thảo luận tại phiên họp giả định và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em. |