Đại biểu Quốc hội hối thúc gỡ bỏ cơ chế xin - cho trong cấp phép bài hát
Bộ trưởng Bộ VH – TT & DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Nhìn nhận hơn 40 năm qua, việc cấp phép các bài hát thời Việt Nam Cộng hòa và hải ngoại theo cơ chế xin - cho từng chương trình, từng băng đĩa, từng tác giả là cách làm cửa quyền, gây chậm trễ, tốn kém, tiêu cực và trên thực tế không có hiệu quả, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) chất vấn về vấn đề này.
Theo đại biểu, đã có ý kiến cho rằng ngành Văn hóa nên lên danh sách các bài hát bị cấm theo quy định pháp luật. Các bài hát ngoài danh sách trên được tự do lưu hành, chỉ cần tôn trọng quyền tác giả, nộp thuế khi kinh doanh; cần cấm thêm sẽ bổ sung vào danh sách này. Nhiều nhạc sỹ, chuyên gia ủng hộ cách quản lý này, vì phù hợp với mô hình Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, không cản trở nhu cầu chính đáng của người dân, nghệ sỹ, hoạt động phổ biến biểu diễn văn hóa, và toàn hoàn khả thi. Đâu là trở lực của cách làm mới và hợp lý này? Phải chăng nhận thức, năng lực, đạo đức của một số cán bộ làm quản lý văn hóa là nguyên nhân(?), đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau khi sự việc xảy ra, Bộ VH – TT & DL đã yêu cầu các cục, vụ liên quan rà soát lại những thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép này. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các thủ tục liên quan đến cấp phép bài hát vừa qua. Tinh thần của Bộ là giảm cấp phép, giảm xin-cho để tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tác của văn nghệ sỹ. Bộ sẽ tìm phương cách quản lý mới phù hợp với tình hình hiện nay và quá trình hội nhập quốc tế.
Tranh luận về phần giải đáp này, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng bên cạnh việc cấp phép, điều cần thiết nên cấm những bài hát, vở diễn không phù hợp với đạo đức xã hội, pháp luật Nhà nước, đường lối chính sách của Đảng. Bộ trưởng trả lời sẽ nghiên cứu, làm thế nào giảm bớt cơ chế xin cho nhưng không rõ được cụ thể thế nào?
Theo đại biểu, Bộ không thể thực hiện được thẩm quyền cấp phép theo quy định của Nghị định số 15/2016/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múc nhạc, sân khấu) vì quá nhiều, Bộ trưởng cần trình Chính phủ sửa đổi ngay.
Tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ “tôi hết sức lo âu” khi chúng ta đã hòa bình, thống nhất hơn 40 năm, việc quản lý nhà nước về các ca khúc là cần thiết nhưng Bộ trưởng nói là đang tìm biện pháp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần đẩy sớm công việc này.
Giải thích rõ hơn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung trái thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm và thời gian sáng tác. Hiện Bộ đang thực hiện các thủ tục về mặt pháp luật để triển khai ý kiến chỉ đạo này, tinh thần chỉ đạo là thông thoáng.
Theo Vietnamplus