Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung thêm quyền của nạn nhân mua bán người
Phiên thảo luận tại tổ 13. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều. Dự thảo Luật cơ bản thể hiện đầy đủ 3 nhóm chính sách được Chính phủ đưa ra trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), gồm: Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; Quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; Hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi và thống nhất với những nội dung quy định của dự thảo Luật, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị, bổ sung thêm quyền của nạn nhân mua bán người là “Được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm”, để nạn nhân sau khi trở về có công việc tạo thu nhập, qua đó ổn định cuộc sống, không trở thành đối tượng bị mua bán người.
“Theo quy định tại khoản 1, quyền của nạn nhân mua bán người có 8 quyền cụ thể, trong đó phân rõ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của nạn nhân, tăng nhiều quyền so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012. Tuy nhiên, trong thực tế, nạn nhân sau khi bị mua bán người trở về thường khó hoà nhập cộng đồng, không có được nguồn thu nhập ổn định, nếu không có sự trợ giúp của gia đình, các cơ quan, đoàn thể địa phương”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nói.
Liên quan tới hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại (Điều 38), đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Ninh kiến nghị bổ sung 1 khoản vào Điều 38 quy định: “Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn trong thời gian tham gia vào quá trình tố tụng hình sự liên quan đến vụ mua bán người”. Theo bà Vân, trên thực tế, người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự liên quan đến mua bán người là nạn nhân. Trong quá trình tham gia tố tụng thường phải di chuyển nhiều, nhiều trường hợp di chuyển gặp khó khăn, gây áp lực tài chính và có thể khiến nạn nhân ngần ngại khi tham gia vào quá trình tố tụng nên cần có sự hỗ trợ chi phí cũng như biện pháp bảo đảm an toàn cho họ tránh bị trả thù trong thời gian tố tụng.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) phát biểu: Dự thảo Luật đã xây dựng một loạt các điều khoản quy định về quyền của nạn nhân, về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân, bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người thân thích của họ cho thấy tính ưu việt so với Luật năm 2011 trong việc bảo vệ quyền con người, thực hiện một cách thiện chí các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ông đề ngh tiếp tục nghiên cứu, tham khảo Luật mẫu về phòng, chống mua bán người là văn bản khuyến nghị được xây dựng bởi Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) nhằm giúp các quốc gia trong việc nghiên cứu xây dựng một đạo luật chuyên ngành riêng về phòng, chống mua bán người trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, phụ nữ, trẻ em gái, đồng bào người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… là những đối tượng chủ yếu mà tội phạm mua bán người hướng tới; nhiều người trong số họ còn là đối tượng yếu thế trong xã hội. Bởi vậy, cùng với việc tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân nói chung, dự thảo Luật bổ sung các quy định bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân là những đối tượng nói trên là cần thiết, nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị đối với quy định các hành vi bị cấm, cần bổ sung các hành vi lợi dụng pháp luật về xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài, cho con nuôi, du lịch… để thực hiện các hành vi mua bán người.
“Thực tế, thời gian qua các đối tượng mua bán người đã lợi dụng các hoạt động này để lừa bán nạn nhân nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc các mục đích khác…”, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nói.