Đa sắc thái văn hóa Bình Phước tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, điểm nhấn của chương trình năm nay là hoạt động trình diễn của nghệ nhân người Xtiêng, Khmer đến từ tỉnh Bình Phước.
Đến với chương trình, công chúng sẽ được thưởng thức những điệu cồng chiêng, xoang, múa sa dăm những làn điệu dân ca trữ tình ngọt ngào, âm vang của dàn nhạc ngũ âm của người Khmer và dệt thổ cẩm.
Đây là dịp để du khách cảm nhận giá trị của một số loại hình văn hóa phi vật thể của một số cộng đồng tộc người, trực tiếp giao lưu với người dân để hiểu sâu thêm vốn văn hóa quý giá của dân tộc.
(Ảnh: vtv.vn)
Chương trình còn có sự góp mặt của các nghệ nhân đến từ Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội… qua trải nghiệm chơi đu, đánh pháo đất, múa tứ linh và nhiều trò chơi dân gian của các tộc người: Khmer, Xtiêng, Thái, Si La, Mnông...
Bên cạnh đó, khách tham quan còn được gặp gỡ người viết thư pháp để xin chữ mà mình ưa thích đầu năm mới, tự tay in tranh Đông Hồ và trò chuyện với nghệ nhân của dòng tranh Tết truyền thống nổi tiếng của vùng Kinh Bắc; thử tài khéo tay qua tô vẽ tranh hoặc nặn những con tò he ngộ nghĩnh, đẹp mắt.
Trong tối 24/2, công chúng được xem màn đốt pháo bông lung linh, thưởng thức một số hoạt động trình diễn văn hóa đặc sắc… nhằm làm cho không khí vui xuân thêm phần náo nức.
Ngoài ra, các thực khách còn được thưởng thức hương vị đặc sắc của những món ăn, thức uống khác lạ đến từ Bình Phước cũng như những món ăn của người Mường ở Hòa Bình làm cho không khí đầu xuân thêm nồng ấm và giàu hương sắc.
Tại sự kiện, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất Đông Nam Bộ. (Ảnh: vtv.vn)
Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Võ Quang Trọng cũng cho rằng, việc tổ chức chương trình này với mong muốn chuyển tải đến du khách nhiều loại hình văn hóa của các tộc người ở các vùng miền để tôn vinh các giá trị văn hóa, đề cao lòng tự hào đối với di sản, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Theo ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, Bình Phước là tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, nơi có 41 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có những dân tộc đã sinh sống lâu đời ở vùng đất này như Xtiêng, Khmer, Mnông, Châu Ro...
Trải qua quá trình lâu dài, các cộng đồng cư dân đã sáng tạo ra nền văn hóa hết sức đa dạng, giàu bản sắc, những nét đặc trưng của địa phương.
Một trong những số đó có thể kể đến như văn hóa của người Xtiêng với những nét đặc trưng về hôn nhân, họ tộc và dòng họ, nghề thủ công truyền thống; văn hóa người Khmer vùng cao với những nét đặc trưng thể hiện qua lễ hội truyền thống, phong tục tập quán; người Mnông với sự đa dạng về nghề truyền thống, lễ hội và phong tục...
Đặc biệt, nghệ thuật trình diễn dân gian là lĩnh vực thể hiện đậm nét văn hóa của các cộng đồng cư dân, trong đó có nghệ thuật trình diễn dân gian của người Xtiêng và Khmer.
Lý Thanh Hương