Đà Nẵng: Huy động quân đội và công an thẩm định các dự án ‘nhạy cảm’
Dự án khách sạn JW Marriott của chủ đầu tư người TQ án ngữ bên cạnh sân bay quân sự Nước Mặn- Ảnh: Lê Đình Dũng
Theo tin từ Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, thành phố này đã ban hành quyết định quy định quy chế phối hợp thẩm định các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, áp dụng đối với các dự án nằm trong ranh giới đất quốc phòng, khu vực phòng thủ; các dự án trong khu vực có công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; các dự án nằm trong hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và các dự án có khả năng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Một tổ công tác phục vụ việc này được thành lập bao gồm các thành viên thuộc các sở, ban, ngành có liên quan, Bộ chỉ huy quân sự thành phố, công an thành phố, các cơ quan, đơn vị quốc phòng có liên quan trên địa bàn thành phố cũng như UBND các quận huyện.
Nội dung phối hợp bao gồm thẩm định tính chất dự án đầu tư, thành phần nhà đầu tư, năng lực đầu tư; kiểm tra những tác động của dự án đến vấn đề an ninh, quốc phòng; kiểm tra thực địa; lấy ý kiến các cơ quan có liên quan; và tổ chức họp phản biện nếu cần thiết.
Tổ công tác này sẽ do Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tham gia về kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ, khu vực có công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia… báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Tổ công tác cũng chịu trách nhiệm tham mưu UBND thành phố có văn bản kiến nghị với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng vượt thẩm quyền của thành phố.
Nhiều việc ‘nhạy cảm’
Dư luận Đà Nẵng từng nhiều phen thấp thỏm vì các dự án được UBND TP.Đà Nẵng cấp phép có yếu tố ‘nhạy cảm’.
Những dự án này thường nằm ở ven biển. Đơn cử như các khách sạn, resort của các công ty được cho là có người Trung Quốc làm chủ. Khách sạn Crow Plaza và JW Marriott của công ty Sliver Shores ở quận Ngũ Hành Sơn là một ví dụ. Có nhiều sòng bạc ở trong Crow Plaza phục vụ phần lớn khách Trung Quốc.
Tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần 2 diễn ra ngày 4.12.2015, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Đào Tấn Bằng cho biết, việc quản lý người nước ngoài trên địa bàn quận hiện rất khó khăn.
Trong năm 2015, có khoảng 129 ngàn lượt khách nước ngoài tới địa bàn, trong đó gần 65 ngàn lượt người Trung Quốc. Riêng khu nghỉ dưỡng Silver Shores khai thác đường bay trực tiếp từ các địa phương của Trung Quốc về Đà Nẵng hàng tuần, đã khai thác 57 chuyến bay trong năm.
Trong số 23 dự án ven biển có 10 dự án đã hoạt động, nhu cầu lao động tăng cao với khoảng 450 lao động nước ngoài (350 lao động Trung Quốc) làm chủ yếu trong dự án Silver Shores.
Cũng theo ông Bằng, tại địa bàn còn diễn ra tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh bằng đường du lịch nhưng ở lại làm các công việc khác, cụ thể đã xử lý 1 nhà thầu sử dụng 64 lao động sai mục đích, xử lý một nhà nghỉ cho thuê chỗ ở của hơn 30 người nước ngoài nhập cảnh du lịch nhưng làm công việc khác.
Tình trạng công nhân Trung Quốc lấy vợ Việt, sinh con nhưng vi phạm kết hôn, không đảm bảo các thủ tục cũng đang xảy ra. Hiện, một số dự án khách sạn, resort trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nằm cạnh sân bay Nước Mặn và án ngữ bờ biển có chủ là người Trung Quốc…
Theo Một Thế Giới