Đã giảm 25% giá vé qua trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ
Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, mới đây, Tổng cục đã làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Sau cuộc họp, hai bên đã thống nhất điều chỉnh giảm mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, trình Bộ Giao thông Vận tải phương án giảm giá vé sử dụng đường bộ trên tuyến.
Ảnh minh họa
Theo đó, thời điểm giảm sẽ từ ngày 15/10/2017. Tất cả các loại phương tiện đi trên tuyến được giảm 25% giá vé so với mức giá hiện tại.
Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chủ động chuẩn bị các thủ tục về thu giá để công tác giảm giá vé đúng thời điểm nêu trên.
Theo phụ lục hợp đồng giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án, mức giá áp dụng cho loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng trên đoạn Pháp Vân – cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại là 35.000đ/lượt (mức cũ 45.000đ/lượt); Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40fit trên đoạn Pháp Vân – cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại là 130.000đ/lượt (mức cũ là 175.000đ/lượt ),…
Dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ áp dụng hình thức thu giá kín (thu theo km) và vé tháng, vé quý của dự án cũng được giảm tương ứng dựa trên cơ sở giá vé lượt đã giảm. Cụ thể, loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng trên đoạn Pháp Vân – cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại là: 1.050.000đ/tháng, 2.835.000/quý; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40fit trên đoạn Pháp Vân – cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại là: 3.900.000đ/tháng, 10.530.000đ/quý.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giao các cơ quan chuyên môn của bộ điều chỉnh phương án tài chính, điều chỉnh hợp đồng Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ cho phù hợp.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, theo phương án trình Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2021 sẽ bắt đầu tăng giá vé trở lại với mức tăng 18% và sau đó 3 năm tăng một lần, mỗi lần tăng 18%.
Ảnh minh họa
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức BOT giữa Bộ Giao thông Vận tải và liên doanh nhà đầu tư (Công ty CP ĐTPT XD Minh Phát, Tổng Công ty XDCTGT 1 (CIENCO1), Công ty CPĐT&XDGT Phương Thành). Doanh nghiệp Dự án: Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Dự án được thực hiện từ quý 3/2014, đưa vào khai thác giai đoạn 1 ngày 30/9/2015. Tổng vốn đầu tư của dự án: 6.731 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 823,147 tỷ đồng; vốn vay 5.908 tỷ đồng.
Theo phương án giảm mức thu giá, thì thời gian thu giá khoảng 15 năm 4 tháng 18 ngày. Thời điểm hoàn vốn dự kiến 18/2/2031. Giảm so với hợp đồng đã ký 1 năm 10 tháng.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm và điểm bất thường tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đáng lưu ý, về phương án thu phí và giá phí, theo Thanh tra Chính phủ, trước khi thực hiện dự án, Bộ Tài chính đã có văn bản, nêu rõ “việc đặt trạm thu phí trên đường BOT để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư chỉ được thu phí khi dự án hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng”.
Tuy nhiên, hợp đồng dự án ký kết giữa Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư đã thống nhất việc thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1. Sau đó Bộ Tài chính đã chấp thuận và ban hành thông tư thu phí theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư.
Theo Thanh tra Chính phủ: Dự án mới đầu tư giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ), vốn đầu tư chỉ là 30% của dự án nhưng giá thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Hương Mai