Đa dạng sân chơi tiếng Việt cho trẻ em kiều bào và sinh viên Nga
Đa dạng sân chơi tiếng Việt cho sinh viên Nga
Với chuyên ngành tiếng Việt, Nikita Luxenko, sinh viên Viện các nước châu Á và châu Phi, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU), Liên bang Nga đã đăng kí tham dự Cuộc thi tìm hiểu về Việt Nam vào ngày 21/9.
Trong 2 giờ, Nikita Luxenko và những người tham gia cuộc thi được tiếp cận với những bảng câu hỏi và hình ảnh phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lý, ẩm thực và nhiều thông tin về đời sống của Việt Nam. Những bảng câu hỏi này không chỉ là những câu hỏi thi trắc nghiệm đơn thuần mà còn cung cấp thông tin cho những người tham gia một cách thú vị và dễ nhớ về Việt Nam.
Sinh viên Nga hào hứng tham dự Cuộc thi tìm hiểu về Việt Nam. Ảnh: Quốc Hùng |
Với Nikita Luxenko, cuộc thi này thực sự rất ý nghĩa. Bởi không những tham gia có cơ hội nâng cao trình độ hiểu biết, vừa có thể kiểm tra kiến thức về ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. “Em nhận thấy ngày càng có nhiều người học tiếng Việt và nghiên cứu về văn hóa Việt Nam”, Nikita Luxenko chia sẻ.
Được biết, cuộc thi Tìm hiểu về Việt Nam do trường tổ chức với sự hỗ trợ của Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga - Việt "Truyền thống và hữu nghị" (Quỹ).
Khai sáng ra mắt 2021 là một dự án đặc biệt của Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga - Việt "Truyền thống và hữu nghị" đặc biệt hướng vào thế hệ trẻ nhằm thúc đẩy các hoạt động văn hóa- giáo dục, khai mở tri thức, hợp tác trong lĩnh vực Việt Nam học và dạy tiếng Việt tại Nga cũng như dạy tiếng Nga và nghiên cứu “Thế giới Nga” tại Việt Nam. |
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga - Việt "Truyền thống và hữu nghị" cho biết, trong nhiều năm qua, Quỹ đã triển khai dự án đặc biệt “Khai sáng” tập trung vào phát triển văn hóa, giáo dục, và đặc biệt là nhằm phát triển nghiên cứu về tiếng Việt.
Cụ thể, Quỹ phối hợp với Đại học quan hệ quốc tế MGIMO (Bộ ngoại giao Nga) tổ chức “Cuộc thi dịch thuật tiếng Việt trong lĩnh vực truyền thông chuyên nghiệp (dịch chính trị-xã hội)” toàn Nga. Qua ba kỳ tổ chức với con số sinh viên tham gia ngày càng tăng, cuộc thi dịch đã khẳng định sức hấp dẫn và chất lượng trong việc dạy và học tiếng Việt tại Liên bang Nga.
Cũng trong khuôn khổ của dự án Khai sáng, Quỹ đã hỗ trợ khánh thành Phòng thư viện Việt Nam tại Viện Châu Á đương đại, Viện Hàn lâm khoa học Nga, ra mắt sách “Việt Nam – đối tác thương mại và đầu tư: sách tra cứu”. Đồng thời, phối hợp với Đại học Tổng hợp quốc gia ngôn ngữ Moskva (MGLU), tổ chức Ngày hội tiếng Việt năm 2023 nhằm vinh danh và thúc đẩy hoạt động học tập tiếng Việt tại "xứ sở Bạch Dương".
Ươm mầm tiếng Việt cho trẻ em kiều bào tại Nga
Không chỉ lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài, Hội người Việt tại Liên bang Nga còn nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt tại Nga với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị tiếng Việt trong cộng đồng, duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt.
Bà Phạm Thanh Xuân, Ủy viên Ban thường vụ Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, dưới sự chỉ đạo của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga cùng với Quỹ truyền thống và hữu nghị đã thực hiện những biện pháp tổng thể nhằm phát triển tiếng Việt tại Nga và triển khai đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài.
“Chúng tôi đã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hỗ trợ các sáng kiến trong cộng đồng nhằm tăng cường giao lưu văn hóa, trau dồi tiếng Việt trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một số hoạt động cụ thể là: phối hợp tổ chức Hội thi “Tiếng hát cộng đồng”, hỗ trợ tổ chức hàng năm Tết Trung thu trẻ em gốc Việt; Đêm Thơ Nguyên Tiêu; Trại hè sinh viên toàn Nga, Ngày Việt Nam... thu hút sự quan tâm lớn của thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nga và cả sinh viên Nga”, bà Xuân chia sẻ.
Lễ tổng kết của chương trình Tiếng Việt vui. Ảnh: Quốc Hùng |
Cũng theo bà Xuân, một chương trình khác được cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga tổ chức nhằm tôn vinh tiếng Việt là “Tiếng Việt vui”. Đây là chuỗi hoạt động dạy và học tiếng Việt, sinh hoạt câu lạc bộ về văn hóa Việt cho con em người Việt ở xứ sở Bạch Dương nhằm khơi dậy niềm yêu thích, duy trì, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ; giúp các em hiểu hơn về truyền thống, lịch sử đất nước; phát triển tình yêu quê hương, xây dựng lòng tự hào về nguồn gốc dân tộc.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tiếng Việt vui đã chính thức trải qua 1 năm hoạt động cùng với 3 lớp học và gần 40 em học sinh trong độ tuổi từ 6-12 tuổi là con em cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga. Trải qua 3 giai đoạn cùng rất nhiều chương trình ý nghĩa, Tiếng Việt vui đã trở thành một cầu nối gắn kết các bạn sinh viên, thanh niên Việt Nam với cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga. Đây cũng là một lớp ươm mầm cho thế hệ kế tiếp của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga nhằm kế thừa những tinh hoa văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc.
Để thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài, bà Phạm Thanh Xuân cho rằng thời gian tới cần thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Cần hướng dẫn và có thể cử cán bộ sang địa bàn để tổ chức trại hè tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài. Đặc biệt, cần hỗ trợ cung cấp tài liệu dạy tiếng Việt (có thể dưới dạng điện tử) để phục vụ cho việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
“Tôi muốn chia sẻ rằng điều quan trọng nhất để gìn giữ và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài đó là tình yêu đối với tiếng Việt. Lòng yêu thương phải được nuôi dưỡng ngay trong gia đình của mỗi người. Tiếng Việt đó là tiếng nói yêu thương của cha mẹ ta, là lời hiệu triệu của Tổ Quốc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói việc bảo vệ Tiếng Việt là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền và nhân dân phải làm cùng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “Ta phải giữ đất nước của chúng ta, Tổ quốc của chúng ta; phải giữ tiếng nói của chúng ta”, bà Xuân nhấn mạnh.