Cục Thuế TP.HCM nói về 53,3 tỷ đồng nợ thuế của Uber
Grab chối trách nhiệm
Theo báo cáo của Cục Thuế TP.HCM với UBND TP, dù hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014 nhưng Uber B.V không thành lập pháp nhân, cũng không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam mà mở tại nước ngoài.
Năm 2017, Cục Thuế TP.HCM ra quyết định truy thu và phạt Uber B.V tổng số tiền 66,68 tỷ đồng. Sau đó, phía Uber đã nộp 13 tỷ đồng, số còn lại 53,3 tỷ đồng công ty không đồng ý nộp vì cho rằng họ chỉ khấu trừ thuế với các đối tác từ khi có Công văn 11828 của Bộ Tài chính (ngày 24/8/2016).
Trong khi khoản nợ nói trên vẫn còn “treo” tại Cục Thuế TP.HCM thì xảy ra việc doanh nghiệp này bán lại cho Grab và chính thức rút khỏi Việt Nam từ ngày 8/4/2018.
Uber chính thức rút khỏi Việt Nam từ ngày 8/4. (Ảnh minh họa)
Liên quan đến khoản nợ 53 tỷ đồng, đại diện Grab khẳng định, việc nợ thuế là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber, hoàn toàn không liên quan đến Grab. "Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề về nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế", phía Grab nói.
Cơ quan thuế "đang chờ"
Mới đây, trao đổi với báo chí, một vị đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết: "Hiện tại, cơ quan thuế đang chờ các bên hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo đúng nguyên tắc pháp lý rồi sẽ tiến hành nắm bắt và yêu cầu các đối tượng này thực hiện nghĩa vụ thuế”.
Theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, việc chuyển nhượng phần vốn của Uber tại Việt Nam cho Grab báo chí đã công bố nhiều ngày qua. Tuy nhiên, về nguyên tắc thủ tục pháp lý, các đơn vị này phải đăng ký lên Sở KH&ĐT về việc mua lại phần vốn của Uber tại Việt Nam. Sau đó Sở mới cấp phép điều chỉnh thay đổi và thông báo cho Cục Thuế TP.HCM, đồng thời Grab phải đăng ký với cơ quan thuế, để căn cứ trên kết quả kinh doanh sẽ làm nghĩa vụ thuế. Theo nguyên tắc chuyển nhượng, sáp nhập thì bên nhận sáp nhập sẽ kế thừa những quyền lợi và nghĩa vụ, trong đó có cả về thuế. Tuy nhiên, do Grab chưa cung cấp hợp đồng chuyển nhượng thỏa thuận nên cơ quan thuế cũng chưa có những bước tiếp theo.
Món nợ thuế của Uber trở nên khó đòi khi Grab không chịu đóng thay (Ảnh: Thanh niên)
Một chuyên gia trong ngành thuế nhấn mạnh, Uber khó mà trốn thuế tại Việt Nam, bởi nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước kiểu gì cũng phải thực hiện, không là Uber thì Grab. Nếu không, thương vụ coi như không hoàn thành.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng Grab phải có nghĩa vụ với khoản nợ này. Các nghĩa vụ của doanh nghiệp sáp nhập thì doanh nghiệp mới thừa kế phải chịu trách nhiệm đó.
N.L (t/h)