Cuba công bố lộ trình phát triển kinh tế mới
Tại phiên họp thường kỳ của Quốc hội Cuba, phát biểu về lộ trình phát triển kinh tế mới, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero nêu rõ chính phủ ưu tiên đàm phán lại các khoản nợ cần thiết và đạt mức đầu tư nước ngoài cao hơn. Bên cạnh đó, khuyến khích sản xuất trong nước, phục hồi ngành mía đường, đạt được cân bằng lương thực ở cấp thành phố và bù đắp nhập khẩu bằng xuất khẩu.
Thủ tướng Cuba Manuel Marrero tại phiên họp thường kỳ của Quốc hội Cuba
|
Người đứng đầu Chính phủ Cuba cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của nhiệm vụ giảm thâm hụt ngân sách, tập trung trợ cấp cho người dân. Mặt khác, cập nhật giá nhiên liệu, điện và nước, áp dụng chính sách giá cả hợp lý.
Liên quan đến mục tiêu “phi đô la hóa” nền kinh tế Cuba, Thủ tướng Marrero khẳng định, cần áp dụng từng phần các biện pháp nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ như kiều hối hay thu nhập từ nước ngoài. Để đối phó với nạn đầu cơ, Chính phủ Cuba sẽ áp dụng các biện pháp chống trốn thuế, sửa đổi các quy định miễn thuế, tạo việc làm mới, quản lý chiến lược phát triển lãnh thổ, thúc đẩy hoạt động ngân hàng, khuyến khích những chuyển biến trong khối doanh nghiệp quốc doanh... Tất cả các giao dịch trong nước sẽ được thực hiện bằng đồng nội tệ peso, ngoại trừ Đặc khu phát triển Mariel, các tổ chức thương mại bán buôn và bán lẻ được ủy quyền, các tổ chức nước ngoài và các tổ chức khác đã được phê duyệt.
Chính phủ Cuba cũng khẳng định quyết tâm đấu tranh chống lại các hành vi bất hợp pháp, tham nhũng, vô kỷ luật, ưu tiên phòng ngừa tệ nạn và bảo đảm an sinh xã hội, vấn đề nhà ở và nông thôn. Từ đó bảo đảm lực lượng và năng lực sản xuất.
Theo nhật báo Granma - Cơ quan ngôn luận chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, các chính sách mới sẽ giúp hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm và nâng cao năng lực sản xuất. Quá trình chuẩn bị Kế hoạch Kinh tế và Ngân sách Nhà nước đến năm 2025 sẽ bắt đầu và các chỉ thị của chính phủ được xây dựng cho quá trình này.
Các biện pháp mới sẽ giúp nhà nước đạt được các mục tiêu về ngân sách năm 2024. Chính phủ Cuba cũng đã tăng phụ cấp để khuyến khích người lao động trong lĩnh vực y tế và giáo dục gắn bó lâu dài hơn. Bên cạnh đó, gia hạn thuế đối với hoạt động nhập khẩu thực phẩm và vệ sinh không mang tính chất thương mại. Giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian; tăng thuế nhập khẩu thuốc lá, xì gà, bia rượu...
Một cửa hàng kinh doanh |
Phát triển khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là một phần trong chiến lược hoàn thiện các thành phần kinh tế và đa dạng hóa các hình thức quản lý kinh doanh tại Cuba. Từ đó hướng tới mục tiêu giải phóng tiềm năng sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại nước này. Theo Bộ Kinh tế và Kế hoạch của Cuba, 19,6% các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại đảo quốc này hoạt động trong ngành chế tạo, 12% trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ uống. Các doanh nghiệp mang lại việc làm cho 225.000 người Cuba, trong đó có 189.000 việc làm mới. Số liệu chính thức cũng cho thấy những lĩnh vực nêu trên sử dụng hơn 15% lao động của đất nước và đóng góp gần 14% GDP.
Trước đó, chính phủ Cuba đã quyết định mở cửa phần lớn nền kinh tế cho tư nhân, ngoại trừ những lĩnh vực chiến lược của nhà nước như y tế, viễn thông, năng lượng, quốc phòng hoặc báo chí. Tính đến thời điểm hiện tại, gần 11.000 doanh nghiệp tư nhân đã được thành lập.
Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba ủng hộ tiến trình đối thoại và hợp tác giữa Cuba và Hoa Kỳ Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba cho rằng, việc chính phủ Hoa Kỳ đưa Cuba ra khỏi "Danh sách các quốc gia không hợp tác với nỗ lực chống khủng bố của Hoa Kỳ năm 2023" là việc làm cần thiết nhưng chưa đầy đủ. |
Quảng Nam: lan tỏa tình hữu nghị Việt Nam-Cuba qua tranh vẽ Những nét vẽ nắn nót ngây thơ, những gam màu tươi sáng thể hiện tình hữu nghị Việt Nam-Cuba được các em thiếu nhi thể hiện trong chương trình Ngày hội sắc màu với chủ đề “Thiếu nhi Việt Nam – Cuba, thắm tình đoàn kết” và “Thiếu nhi Việt Nam làm nghìn việc tốt”. Chương trình do Hội đồng Đội thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) tổ chức. |