Cử tri gửi tâm tư nguyện vọng tới Quốc hội khóa XIV
Tin tưởng và kì vọng là tâm trạng của nhiều cử tri trước thềm Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, bởi kỳ họp diễn ra ngay sau khi Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc với việc thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; vấn đề chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức của bộ máy của hệ thống chính trị và xem xét xử lý cán bộ.
Cử tri gửi nhiều tâm tư, nguyện vọng tới kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh minh họa)
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vừa qua, cử tri Hà Nội bày tỏ đau lòng trước những cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao vi phạm phải xử lý kỷ luật. Nhưng cử tri rất yên tâm, tin tưởng vào tinh thần quyết tâm đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực của Ðảng.
Một số vụ án nghiêm trọng được đưa ra xét xử nghiêm minh, có đối tượng bị đề nghị tử hình, hoặc chung thân, điều đó không ai muốn, nhưng không thể khác, có như vậy mới từng bước loại trừ được tham nhũng.
Cử tri Hoàng Lâm, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng: “Đảng đã nhìn vào sự thật, nhất là dám làm, cụ thể đối với khuyết điểm của cán bộ trong Đảng, kể cả người ở vị trí cao, Đảng đã đưa ra để cho quần chúng thấy được những thiếu sót. Đó là việc làm tốt nên phát huy và nên mở rộng đem lại niềm tin”.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án Luật, 12 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án Luật. Cử tri cho rằng lần này sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng phải có cơ chế, chính sách mới để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng; đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cử tri Đỗ Duy Thường ở Hà Nội cho rằng, tham nhũng hiện nay gắn với các nhóm lợi ích, vì vậy phải làm sao không để các nhóm lợi ích liên kết với nhau. Báo cáo vừa qua trên 1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện mấy trường hợp kê khai không đúng. Nhân dân rất quan tâm đến vấn đề này vì đây là một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng, song vấn đề kiểm soát thu nhập thời gian qua chưa hiệu quả.
Ðối với công tác cán bộ, nhiều cử tri khẳng định còn những bất cập, yếu kém gây bức xúc dư luận, nhất là việc bố trí sắp xếp cán bộ, vừa để lãng phí chất xám, vừa để một số cán bộ yếu kém cả về phẩm chất, năng lực lại nắm giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, càng tinh giản biên chế, bộ máy càng phình to.
Cử tri Lê Thành Tùng, quận 3, TPHCM cho rằng: “Về việc tinh giảm bộ máy đã nêu ra cần thực hiện được, chứ nêu ra không làm thì quần chúng không tin. Các đồng chí đứng đầu ngành, bộ, tỉnh, thành phố, huyện, quận, xã, phường… phải gương mẫu trước tiên và phải làm trước. Nếu nơi nào không làm được thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”.
Trước tình trạng mưa, bão lũ liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cơn bão số 10 đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều người dân, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời phát động và chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương ủng hộ đồng bào vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn lo lắng trước tình hình khí hậu diễn biến bất thường; người dân chưa thực sự chủ động ứng phó với thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở.
Là cơ quan tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của cử tri, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt khẳng định, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là theo dõi và tổ chức giám sát kiến nghị của cử tri.
Mặt trận sẽ thực hiện giám sát theo Luật Giám sát, phối hợp với cơ quan truyền thông để người dân lắng nghe được những ý kiến hoạt động của đại biểu dân cử, đồng thời ý kiến MTTQ để nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, Chính phủ trong việc thực hiện ý kiến trả lời. Những ý kiến này đều phải được giải đáp. Trong chương trình giám sát của MTTQ hàng năm đều đưa ra nội dung chương trình giám sát; giám sát lại việc thực hiện kiến nghị của MTTQ. Có những nội dung 2-3 lần được giám sát thì các nội dung đó được thực hiện.
Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của mình, tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội. Có như vậy, Quốc hội mới thật sự gần dân, sát dân, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của đất nước.
Theo VOV