Công ty Saigon Ve Wong đóng gói bột ngọt Trung Quốc gắn mác “sản xuất tại VN”
Bột ngọt A-one đóng gói từ nguyên liệu Trung Quốc cho ra lợi nhuận khủng.
Ngày 22-1, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM tiếp tục có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Saigon Ve Wong (1707 quốc lộ 1, P.An Phú Đông, Q.12) để làm rõ các dấu hiệu vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm bột ngọt thương hiệu A-one.
Cũng trong buổi sáng, các thùng bột ngọt thành phẩm được cơ quan chức năng niêm phong, đưa lên ba container 40 feet (khoảng 400.000 sản phẩm các loại) chở về kho để tạm giữ.
Bột ngọt A-one được gắn mác sản xuất tại VN nhưng thực chất chỉ đóng gói nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc - Ảnh: Lê Sơn/Tuổi Trẻ
“Hàng hóa bị tạm giữ do công ty có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh bột ngọt giả mạo xuất xứ, vi phạm nhãn mác bao bì” - một cán bộ quản lý thị trường cho hay.
Trước đó chiều 21-1, khi kiểm tra quá trình sản xuất của Công ty TNHH Saigon Ve Wong, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện công nhân đang “sản xuất” bột ngọt mang thương hiệu A-one theo kiểu chia nhỏ, đóng gói bột ngọt từ bao bột ngọt xá loại 25kg có ghi rõ xuất xứ từ Trung Quốc và Thái Lan thành những gói nhỏ 100gr, 350gr, 400gr, 1kg...
Sau khi hoàn tất quy trình “sản xuất”, số bột ngọt này được đưa ra thị trường tiêu thụ trên bao bì ghi nội dung đóng gói tại địa chỉ công ty và “nguồn nguyên liệu nhập khẩu: Thái Lan, Indonesia và sản xuất tại VN”.
Theo tìm hiểu, đây là bao bì mới được công ty sử dụng từ đầu năm 2016. Trước đó, các sản phẩm bột ngọt A-one của công ty đều ghi thông tin “sản xuất tại VN”.
Kho hàng giả bị thu giữ. Ảnh cơ quan chức năng cung cấp.
Ngoài khu vực sản xuất, theo quan sát của chúng tôi, hàng trăm tấn nguyên liệu bột ngọt được phủ kín bạt chờ đưa vào đóng gói sản xuất.
Đại diện công ty cho biết bột ngọt nguyên liệu được sử dụng với nhiều mục đích như: sản xuất bột ngọt, bột nêm, phụ gia các sản phẩm đóng gói, ăn liền...
“Tỉ lệ chính xác phải chờ phòng sản xuất kiểm kê, nhưng phần lớn bột ngọt nguyên liệu dùng để chế biến, đóng gói sản phẩm bột ngọt” - một nhân viên công ty cho biết.
Theo tìm hiểu, chỉ với công đoạn nhập khẩu nguyên liệu rồi đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ, công ty đã thu lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi tháng.
Đối chiếu với số liệu thống kê nguyên liệu nhập khẩu qua cảng Cát Lái (Q.2) cùng với báo cáo của công ty, trong năm 2015 có gần 15.000 tấn nguyên liệu bột ngọt được nhập về. Trong đó, số lượng nhập từ Trung Quốc hơn 8.000 tấn. Riêng trong tháng 1-2016 đã có 1.200 tấn bột ngọt nguyên liệu được công ty nhập về.
Theo tính toán, mỗi bao bột ngọt xá (loại 25kg) nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan có giá dao động khoảng 30-33 USD/bao tùy thời điểm, tương đương 28.000-30.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá bột ngọt thành phẩm của công ty bán lẻ phổ biến trên thị trường ở mức 45.000-50.000 đồng, xấp xỉ với các sản phẩm cùng loại của một số thương hiệu bột ngọt đang bán trên thị trường hiện nay. Như vậy, chỉ với động tác đơn giản đóng gói bao bì nhằm chuyển đổi xuất xứ, công ty đã bỏ túi lợi nhuận khủng.
Ngoài việc phân phối cho hệ thống bán lẻ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, phần lớn được tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc, sản phẩm này cũng bước đầu được đưa vào các siêu thị.
Công ty TNHH Saigon Ve Wong ngưng sản xuất và đóng gói từ năm 2010
Người tiêu dùng sẽ không còn tin các sản phẩm của Ve Wong
“Chúng tôi đã yêu cầu công ty cung cấp các hóa đơn đầu vào và ra của sản phẩm để làm rõ việc khoản lợi nhuận thu được từ hành vi gian lận này của công ty trong thời gian qua” - một cán bộ quản lý thị trường cho biết.
Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, Công ty TNHH Saigon Ve Wong từng liên doanh với một doanh nghiệp VN đầu tư dây chuyền sản xuất nguyên liệu bột ngọt từ mía, bột mì...
Tuy nhiên, theo người của công ty làm việc với cơ quan chức năng thì từ năm 2010, công ty không duy trì hoạt động sản xuất này nữa, thay vào đó là nhập nguyên liệu từ nước ngoài rồi đóng gói, tung ra thị trường sản phẩm bột ngọt "sản xuất tại VN”.
Trong khi đó, theo nghị định 19/CP quy định chi tiết Luật thương mại về xuất xứ hàng hóa, việc thay đổi bao bì, đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng... chỉ được xem là hàng gia công, chế biến đơn giản.
Theo Tuổi Trẻ