Cổ phiếu Ngân hàng xử lý rung lắc, giữ thành quả tại 1.300 điểm
Định vị thị trường
Sau khi Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng dự báo chỉ có 1 đợt giảm lãi suất trong 2024, thay vì 3 lần như dự báo hồi tháng 3/2024. Các chỉ số chứng khoán Mỹ hầu hết đều phản ứng tích cực kéo theo sắc xanh được duy trì tiếp ở các thị trường châu Á. Các chỉ số TWSE (+1,19%), KOSPI (+0,98%), HSI (+0,96%), KLSE (+0,24%), STI (+0,58%) đều tăng điểm khá tích cực.
VN-Index cũng đóng cửa trong sắc xanh trên mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, rung lắc cũng đi kèm và Ngân hàng là nhóm đã tích cực nhất trong nỗ lực giải quyết vấn đề cho thị trường.
Chất xúc tác
Hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có tín hiệu cải thiện rõ rệt. Phiên hôm nay, khối ngoại mở rộng quy mô giá trị bán ròng lên 1.400 tỷ đồng với FPT (-721 tỷ đồng), VRE (-123 tỷ đồng), VHM (-130 tỷ đồng), HPG (-117 tỷ đồng), MWG (-107 tỷ đồng) bị bán trên 100 tỷ đồng.
Điều này cũng cho thấy xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn còn tiếp diễn và không chỉ giới hạn trong các động thái thanh lý của quỹ iShares Frontier and Select EM ETF.
Dù cho chỉ số DXY đã về lại gần mốc 104 điểm, nhưng rõ ràng khối ngoại chưa có sự chuyển biến. Được biết, tỷ giá tự do bán ra được công bố tại 25.785 VND/USD. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục tăng đồng loạt ở các kỳ hạn: qua đêm (4,6%), 1 tuần (4,7%), 2 tuần (4,8%).
Vận động thị trường
Các mã bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất đều đóng cửa trong sắc đỏ như FPT (-1,52%), VHM (-0,65%), VRE (-0,69%), HPG (-0,34%), MWG (-0,95%). Tuy nhiên, chiều mua, khối ngoại vẫn giải ngân vào MBB (+153 tỷ đồng), MSN (+84,1 tỷ đồng), TPB (+49 tỷ đồng) khá mạnh và đều giúp cho các mã này tăng giá: MBB tăng 1,95%, MSN tăng 1,03%, TPB tăng 2,98%.
MBB thậm chí có thời điểm còn là mã dẫn dắt đà tăng của VN-Index, thay thế cho VPB đã giao dịch bùng nổ ở phiên hôm qua. Tới cuối phiên, MBB vẫn đứng thứ 2 về tác động lên chỉ số sau BID (+0,9%), xếp trên CTG (+1,2%), LPB (+1,9%), TPB (+3%). Nhìn chung, cả 5 mã dẫn dắt đều là những cổ phiếu Ngân hàng.
Nhóm này đã cùng thể hiện sức ảnh hưởng trong giai đoạn cuối phiên để triệt tiêu rung lắc của chỉ số. Sau khi VN-Index có thời điểm vòng xuống 1.297 điểm, chỉ số vẫn quay lại trên mốc 1.300 điểm, đóng cửa tại 1.301,51 điểm (+0,1%).
Trước những vận động khó lường của nhóm Bluechips, dòng tiền chưa thể giao dịch bùng nổ sau phiên vươn lên đỉnh 2 năm. Chỉ có các mã cá biệt là CTR (+6,98%), VTP (+3,64%) trong khi phần lớn các cổ phiếu chỉ dao động trong biên độ 1%: DGC (+0,08%), VND (+0,55%), HAH (+0,72%), GEX (+0,64%), VCG (+0,22%), FRT (+0,57%), DXG (+0,9%), CII (+0,28%), VIX (-0,79%), VCI (-0,98%), VSC (-0,22%), KBC (-0,79%), IJC (-0,94%)…
Dường như, dòng tiền vẫn cần thêm thời gian để quan sát vận động thị trường tại vùng 1.300 điểm. Tổng giá trị giao dịch của HOSE đạt 23.073 tỷ đồng, tương đương 891,33 triệu đơn vị.
HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa trái chiều, tăng 0,02% và giảm 0,12%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 3.000 tỷ đồng.