Có một “Làng Nga” trong lòng Việt Nam
Cổng vào Làng Nga ở Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Hà |
Làng Nga ở Vũng Tàu có từ bao giờ?
Vào đầu những năm 1980, các chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến Vũng Tàu làm việc trong Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt-Xô “Vietsovpetro” (nay là Liên doanh Việt Nam – Liên bang Nga “Vietsovpetro”). Hồi đó, khu nhà năm tầng như quý vị thấy trên ảnh còn chưa được xây dựng nên những chuyên gia Liên Xô đầu tiên còn ở trong các khu chung cư do Việt Nam xây dựng tại Khu dịch vụ dầu khí Lam Sơn. Việc khai thác dầu khí ngoài thềm lục địa của Việt Nam thuở ban đầu ấy còn nhiều khó khăn. Để bảo đảm cho các máy móc vận hành an toàn và hút được dòng dầu đầu tiên từ đại dương lên mặt biển, đòi hỏi phải có đội ngũ công nhân, thợ mỏ khai thác, vận tải có nhiều kinh nghiệm và được trang bị những phương tiện kỹ thuật tiên tiến. Chính phủ Liên Xô dạo đó đã cử hàng ngàn chuyên gia, công nhân, kỹ sư sang giúp Việt Nam khai thác dầu mỏ và đây cũng là cơ sở đầu tiên để “Làng Nga” ra đời.
Là người mang trên vai “hành trang” 14 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga sau này, ngay khi đặt chân lên Vũng Tàu tôi đã háo hức tìm đến Làng Nga như tìm đến với quê hương thứ hai của mình vậy. Hóa ra, Làng Nga nằm cách nơi tôi tới nghỉ dưỡng không xa – trên trục đường Nguyễn Thái Học thuộc phường Nguyễn An Ninh của thành phố Vũng Tàu.
Cư dân thuộc thế hệ thứ hai của Làng Nga Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Hà |
Có tất cả nền văn hóa Nga ở đó
Lần theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của một công nhân người Việt sống ở dãy nhà nằm ngay sát gần Làng Nga, tôi nhanh chóng tìm được đúng nơi cần tới. Phía sau cánh cổng có treo quốc kỳ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga là những dãy nhà chung cư năm tầng khiêm tốn, nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Chúng bất giác làm tôi nhớ lại khu ký túc xá sinh viên năm tầng của Trường Đại học Tổng hợp Voronezh, nơi tôi từng tá túc để học dự bị đại học khi lần đầu tiên được tới Liên Xô vào năm 1973.
Con đường nhỏ rợp bóng cây xanh mát là ranh giới giữa một bên là Làng Nga, còn bên kia là nơi ở của cán bộ công nhân Việt Nam. Tất cả họ đều gắn bó chung trong một tập thể lao động hữu nghị – Xí nghiệp Liên doanh Việt Nam - Liên bang Nga “Vietsovpetro”. Tuy giữa Làng Nga và nơi ở của công nhân Việt Nam cách nhau một con đường, nhưng chưa bao giờ có khoảng cách. Cuối tuần, các cán bộ, công nhân của “Vietsovpetro”, bất kể là người Việt hay người Nga, vẫn thường sang khu nhà ở của nhau để chơi bóng chuyền, chơi cờ và giao lưu văn nghệ với nhau.
Các món ăn đặc sản tại Nhà hàng Nga ở Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Hà |
Bên khu chung cư dành cho người Việt cũng có cửa hàng bán thực phẩm Nga. Tôi ghé vào một cửa hàng như vậy. Người đàn ông bán hàng hồ hởi giới thiệu: “Tất cả đồ ăn ở đây đều do người Nga ở Làng Nga làm, với nguyên liệu từ Nga gửi sang”. Tôi mua thử một ổ bánh mì gối kiểu Nga. Ngon tuyệt! Đích thị mùi vị lúa mạch đen của Nga.
Để trọn vẹn cảm xúc của một người Việt mang tâm hồn Nga trong ngày đặc biệt này, tôi ghé vào một tiệm ăn Nga gần đó, nơi mà thực đơn có đầy đủ các đồ ăn thức uống của người Nga: nước kvas, xúp củ cải đỏ, xa-lát cá hồi Nga, bánh mì đen… Nhân viên phục vụ người Nga hồ hởi mời chúng tôi mỗi người một ly vodka Nga. Ấm cúng biết bao, thân thiết biết bao!
Trung tâm Y tế của Liên doanh “Vietsovpetro” ở Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Hà |
Phát triển hội viên trẻ, kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương giao cho Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh tại Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2023-2028 của Hội vào ngày 24/11. |
Phân viện Puskin – “Lá cờ đầu” trong việc quảng bá tiếng Nga và văn hóa Nga tại Việt Nam Phân viện Puskin đã tích cực quảng bá tiếng Nga và văn hóa Nga tại Việt Nam, góp phần phát triển quan hệ ngoại giao nhân dân giữa hai nước. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Phân viện Puskin, diễn ra ngày 30/11 tại Hà Nội. |