Cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam kể từ khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP
Anh công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Thông thường, việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp của nhà nước đối với các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Một quốc gia có sự can thiệp quá sâu của nhà nước có thể không được xem là một nền kinh tế thị trường.
Kể từ khi gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Theo đó, Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.
Được công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, giảm tối thiểu mức thuế phòng vệ thương mại và tăng cơ hội mở rộng thị trường. Điều này giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trở nên ổn định hơn.
Sự cộng hưởng giữa CPTPP và UKVFTA
Những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những bước phát triển rất tích cực. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại là một trụ cột quan trọng. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả đáng ghi nhận sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công Thương Tạ Hoàng Linh, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ bổ sung cho UKVFTA hiện có đồng thời nâng cấp mối quan hệ thương mại song phương với các mức thuế ưu đãi bổ sung. Ngoài ra, CPTPP còn làm tăng thêm khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển quan hệ thương mại, kinh tế giữa hai nước.
“Các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường, trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan… đều chưa tham gia CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan”, ông Linh đánh giá.
Nông sản là một trong những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang Anh. (Ảnh: Báo Người lao động) |
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long nhận định, với 2 hiệp định song hành, doanh nghiệp hai nước sẽ có điều kiện để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, đa dạng hóa chuỗi cung ứng những mặt hàng chiến lược, góp phần gia tăng tính tự chủ, tự cường của cả hai nền kinh tế. Từ đó, người dân hai nước được tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của nhau nhiều hơn.
Cần có chiến lược bài bản tiếp cận thị trường
Mặc dù là một thị trường tiềm năng, song Anh lại đòi hỏi rất cao về các công nghệ, kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức buộc doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị, có chiến lược bài bản khi tham gia vào thị trường này.
Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng chính bởi Anh là một thị trường khó tính nên đó sẽ là bước đệm để hàng hóa Việt Nam chinh phục các thị trường lớn tiếp theo.
“Khi vào thị trường Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần nhạy bén trong việc tuân thủ và đáp ứng các quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm, quy trình thủ tục kiểm soát hàng hóa, khai báo và nộp thuế… theo quy định của Anh. Nông sản Việt cũng cần phải đáp ứng được quy chuẩn toàn cầu hóa (GlobalGap) về độ xanh, sạch… do thị trường Anh đưa ra”, ông Phương cho biết.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh khẳng định Thương vụ sẽ tổ chức, xây dựng mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để kết nối, giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và có được các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Vương quốc Anh.
Tích cực đàm phán các FTA để thúc đẩy xuất khẩu Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), những Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có giữa Việt Nam với các đối tác thị trường từ châu Âu - châu Mỹ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) hay Hiệp định thương mại Việt Nam - Chi lê, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA)... đang tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư; đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam. |
Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên CPTPP Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 16/7 tại Auckland, New Zealand đã chính thức đưa Vương quốc Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia Hiệp định này. |