Cổ đông ngân hàng chuẩn bị nhận "mưa" cổ tức
Ảnh minh họa. |
Trong suốt 3 năm đại dịch (từ năm 2020 - 2022), Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng không trả cổ tức bằng tiền mặt, thay vào đó, trả cổ tức bằng cổ phiếu để gia tăng bộ đệm vốn, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời, dành nguồn lực xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, cơ chế đã cởi mở hơn khi các ngân hàng được phép lựa chọn phương án phân phối lợi nhuận, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi nhà băng.
Mùa đại hội năm nay của các ngân hàng vì thế cũng trở nên sôi động hơn, khi các thông tin về cổ tức lần lượt được công bố.
Trong phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 trình cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, HĐQT VIB đề xuất sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,44%.
Ngân hàng này sẽ chia cổ tức theo hai đợt, lần thứ nhất tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6% và lần thứ hai là chi trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6,5%. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng.
Theo đó, HĐQT ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.
Với Ngân hàng Techcombank (mã: TCB), dự kiến sẽ trình cổ đông phương án chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận sau thuế. Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông có thể nhận được khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Nếu được thông qua, cổ đông Techcombank sẽ lần đầu nhận được cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chờ đợi.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - mã: NAB) cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024, trong đó dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25% để tăng vốn điều lệ.
Hay Ngân hàng HDBank (mã: HDB) cũng cho biết kế hoạch trình ĐHĐCĐ trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ dự báo có thể lên tới 25%.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác dù chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng cũng đã gợi ý về kế hoạch chia cổ tức.
Tại Hội nghị nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội (MB Bank - mã: MBB) Lưu Trung Thái tái khẳng định dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 nhưng tỷ lệ bao nhiêu thì chưa chốt. Trước đó, MB đã thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2023 từ mức 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
"Ông lớn" VietinBank (mã: CTG) cũng đã công bố kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình kiến nghị cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ năm 2023, Ngân hàng VPBank (mã: VPB) từng cho biết có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Năm ngoái, VPBank từng bỏ ra gần 8.000 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
SSI Research: Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hút ròng thêm ít nhất 2 tuần nữa Mục đích của Nhà điều hành là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1. |
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu lãnh đạo Eximbank thông tin về vụ đòi nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng Văn bản yêu cầu Eximbank báo cáo Thống đốc NHNN kết quả xử lý vụ việc trước ngày 21/3/2024. |