Cơ chế đặc thù là để Hà Nội tận dụng hết nguồn lực tiềm năng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội hướng tới là trung tâm của Đông Á và Đông Nam Á |
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Đại biểu phải nghe bằng cả “hai tai” |
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường |
- Khi bấm nút biểu quyết thuận cho cơ chế đặc thù này, điều ông hy vọng nhất trong việc sử dụng nguồn lực tài chính cho Hà Nội là gì?
Thủ đô Hà Nội có rất nhiều nguồn lực tiềm năng. Điều tôi kỳ vọng nhất là cơ chế đặc thù sẽ biến những nguồn lực tiềm năng thành những nguồn lực đầu tư cho thành phố. Qua đó, giúp Hà Nội phát triển vượt trội so với các địa phương khác.
Sự vượt trội này được thể hiện qua 2 yếu tố: Thứ nhất, khai thác được các nguồn lực đặc thù để tạo ra sự phát triển nhanh hơn, quy mô lớn hơn, đáp ứng được yêu cầu. Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp và người dân cùng tham gia vào quá trình phát triển thành phố.
Nếu khai thác tốt cơ chế đặc thù, chúng ta không chỉ thay đổi được các yếu tố về nguồn lực, mà còn thay đổi được cả yếu tố về con người. Người dân cũng như doanh nghiệp sẽ cải thiện ý thức, hành vi, ứng xử của mình sao cho tương xứng với trình độ phát triển của thủ đô khi sinh sống, đầu tư, hoạt động kinh doanh…trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, nhu cầu đầu tư cho thủ đô Hà Nội là rất lớn. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách được phân bổ theo cơ chế hiện hành thì rất khó đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực cho phát triển. Trong khi đó, thành phố có nhiều nguồn lực tiềm năng nhưng lại không khai thác được.
-Cụ thể là gì, thưa ông?
Ví dụ, một số cơ quan, đơn vị đang đặt trụ sở tại những nơi có vị trí rất thuận lợi, được gọi là “đất vàng” song lại hoạt động rời rạc, chưa đạt hiệu quả tương xứng.
Nhiều khu “đất vàng” bị sử dụng lãng phí, không có ngân sách để sửa chữa hay xây mới, thậm chí bị bỏ hoang. Khi có cơ chế đặc thù, thành phố có thể chủ động bố trí địa điểm làm việc của các cơ quan, đơn vị này hoặc chuyển đổi hình thức sử dụng mặt bằng để tận dụng giá trị thương mại của những khu “đất vàng”.
Theo cơ chế mới, thành phố được bổ sung nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Nếu có cơ chế giúp đầu tư, quản trị doanh nghiệp hiệu quả, giá trị cổ phần hoá doanh nghiệp càng cao, thành phố càng thu về được nhiều. Đó là động lực để phát triển xã hội.
Cơ chế đặc thù còn cho phép thành phố vay 90% ngân sách (hiện tại là 60%) cũng sẽ tạo điều kiện để Hà Nội tập trung huy động nguồn lực đầu tư, triển khai dứt điểm các dự án thay vì tình trạng dàn trải, kéo dài dẫn tới nguy cơ thất thoát, lãng phí như hiện nay.
Cơ chế đặc thù này không có nghĩa là dành cho Hà Nội nhiều hơn, mà bản chất thành phố đã có sẵn các nguồn lực, nhưng cần có sự thay đổi để tận dụng được hết những nguồn lực tiềm năng.
- Cơ chế đặc thù cho phép Hà Nội có thêm một số nguồn thu mới như 50% tiền sử dụng đất, toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hoá… Theo ông, với nguồn lực này, thành phố nên ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực nào?
Theo tôi, đối với một trung tâm lớn của cả nước như Hà Nội, lĩnh vực đầu tiên phải tập trung đầu tư là hạ tầng đô thị: Giao thông, cơ sở hạ tầng như thế nào, các khu dân cư, khu thương mại ra làm sao? Nếu giải quyết tốt vấn đề này, chúng ta không chỉ thay đổi được diện mạo thủ đô mà còn phát triển được nguồn lực.
Lấy ví dụ như một số khu dân cư có hạ tầng kém, thiếu công trình công cộng, giao thông đi lại không thuận tiện… thì dù người dân ở đó có thu nhập tốt hay giá đất cao đi chăng nữa, cũng không thể coi là cuộc sống tốt hay đô thị văn minh, hiện đại.
Thay vì chỉ rải rác một vài khu đô thị phát triển như hiện tại, chúng ta có thể xây dựng khoảng 5-7 trung tâm lớn, có trình độ phát triển tương đương và kết nối đồng bộ với nhau. Khi đó, có thể tận dụng nguồn thu từ chi phí gửi xe, chi phí hoạt động kinh doanh… của người dân tại các trung tâm lớn này để bổ sung vào nguồn thu của thành phố. Nghĩa vụ của người dân là đóng góp chi phí xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng đô thị, để khi những hạ tầng này đi vào vận hành sẽ sinh lợi, phục vụ ngược trở lại cho người dân.
Thứ hai, cần tập trung đầu tư vào các công trình công cộng như công viên cây xanh, môi trường… mà hiện nay còn rất thiếu. Việc này xuất phát từ thực tiễn ở những khu dân cư có trình độ phát triển cao, người dân sẵn sàng trả tiền để trang hoàng đường phố, cải thiện cảnh quan nhằm thu hút nhiều du khách hơn, kinh doanh hoạt động hiệu quả hơn.
Như vậy, chúng ta vừa huy động được nguồn lực từ phía người dân cùng tham gia vào phát triển thành phố, vừa tạo ra sự sàng lọc tự nhiên. Người dân muốn sinh sống, kinh doanh ở những trung tâm nào thì phải đáp ứng trình độ phát triển của trung tâm đó. Nếu thấy không thực sự cần thiết, họ có thể chuyển ra sống ở khu vực xa hơn, từ đó làm giảm áp lực tập trung dân cư tại trung tâm thành phố.
Thứ ba là những vấn đề liên quan tới phúc lợi xã hội. Với một đô thị phát triển, văn minh như thủ đô Hà Nội thì yếu tố nhân văn càng trở nên quan trọng. Không thể có người ăn xin, không nên có người thất nghiệp… Người dân đã sinh sống ở đây, đã tham gia đóng góp vào sự phát triển của thành phố thì khi cần sẽ được đảm bảo quyền lợi của mình.
- Để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, ông thấy có những vấn đề nào cần lưu ý với các cơ quan hữu quan của Thành phố?
Các nguồn lực đầu tư ở đây về bản chất đều là đầu tư công, rất khó để đánh giá về tính hiệu quả. Tuy nhiên, theo tôi, nên lưu ý hai vấn đề chính sau:
Thứ nhất, tính hiệu quả được thể hiện qua mức độ thu hút đầu tư tư nhân vào sự phát triển chung của thành phố. Cá nhân, doanh nghiệp chỉ quyết định đầu tư khi họ thấy có hiệu quả. Nếu chúng ta đầu tư nhưng không thu hút được sự tham gia của tư nhân, thì rõ ràng là đầu tư chưa có hiệu quả. Ngược lại, càng nhiều người quan tâm, đầu tư tư nhân càng lớn thì hiệu quả càng cao.
Vì vậy, cần phải có cơ chế, chỉ tiêu cụ thể về mức độ thu hút đầu tư cá nhân. Trong đó, đầu tư của thành phố chỉ đóng góp một tỷ lệ nhất định nào đó, đóng vai trò là cầu nối, phần còn lại là đầu tư tư nhân. Sự tham gia của tư nhân ở đây không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn có ý nghĩa trong việc kiểm định, tính toán sao cho đầu tư có hiệu quả.
Thứ hai, có thể đánh giá hiệu quả đầu tư thông qua sự lan toả. Vấn đề đặt ra là đầu tư vào Hà Nội như thế nào để không chỉ phát triển trong địa bàn thành phố mà còn thúc đẩy sự phát triển của các khu vực xung quanh như Hoà Lạc, Sóc Sơn, Mê Linh…
Quan điểm đầu tư cần phải rộng mở hơn. Không thể đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách cụ thể, rằng hoạt động đầu tư này phục vụ ra sao, mang lại lợi ích thế nào cho người dân Hà Nội. Thay vào đó, cần phải tính toán, xem xét nó mang lại sự phát triển như nào cho người dân, cho khu vực mà chúng ta quan tâm.
- Cá nhân ông có thấy Hà Nội bây giờ mới có cơ chế đặc thù là quá muộn không?
Về bản chất, chúng ta đã có Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội 2000, Luật Thủ đô 2012. Trong nội dung pháp lệnh, luật này cũng bao gồm những chính sách riêng được áp dụng cho thủ đô Hà Nội và đã có từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, những cơ chế, chính sách đó vẫn chưa đủ sức để thu hút đầu tư, biến các nguồn lực tiềm tàng trở thành nguồn lực phát triển cho thành phố. Vì thế, chúng ta cần phải chi tiết hoá, cụ thể hoá bằng cơ chế đặc thù.
Cơ chế đặc thù được thông qua nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, cần giải quyết kịp thời mà nếu chờ đợi sửa luật sẽ mất nhiều thời gian. Song song với cơ chế đặc thù này, chúng ta cũng phải tính tới việc đánh giá, tổng kết thực hiện và sửa đổi Luật Thủ đô cho phù hợp với tình hình.
Hà Nội và TP. HCM không muốn tăng học phí năm học 2020-2021 Hà Nội và TP. HCM đều đề xuất giữ nguyên học phí năm học 2020-2021 ở tất cả các bậc học, mục đích nhằm chia sẻ ... |
Hà Nội yêu cầu các Sở lên phương án điều hoà cung - cầu thịt lợn UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định chỉ số giá tiêu dùng ... |
Hàng loạt dự án giao thông tại Hà Nội sẽ hoàn thành trong năm 2020 Theo tin từ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, hiện ban đang tập trung ... |