CNTraveler: Khám phá tinh hoa làng nghề thủ công truyền thống Bắc Việt
Bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam có sức cuốn hút đặc biệt với người nước ngoài. Một ví dụ điển hình trong số đó là các làng nghề thủ công truyền thống miền Bắc được CNTraveler (chuyên trang du lịch Mỹ nổi tiếng toàn cầu) giới thiệu trong bài viết dưới đây.
Đồng bằng sông Hồng
Đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam có lịch sử sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ lâu dài và phong phú. Có lẽ đây là một trong những lý do tại sao Vua Lý Thái Tổ đã chọn Hà Nội trở thành Thủ đô của quốc gia vào năm 1010. Có tới hàng trăm làng nghề chuyên ngành bao quanh Hà Nội.
Sau mốc son nêu trên, thợ thủ công từ các làng nghề như vậy bắt đầu lập ra nhiều xưởng nghề trong lãnh thổ mà ngày nay được gọi là khu phố cổ. Hiện tại, mỗi đường phố trong khu phố cổ vẫn còn vang danh với một nghề thủ công cụ thể và liên kết đến các làng nghề gốc.
Làng trống Đọi Tam
Phố Hàng Trống nổi tiếng với trống thủ công làm bằng gỗ mít, da trâu, tre, và là cái nôi của một trong những phường nghề lâu đời nhất ở khu phố cổ.
Truyền thuyết kể lại rằng: vào năm 986, Vua Lê Đại Hành về làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cày ruộng trong lễ tịch điền khuyến nông. Hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã làm một cái trống để cổ vũ vang rền một góc trời. Sau đó, triều đình mời họ lên kinh đô để thành lập phố làm nghề trống. Hầu hết trống được bán trên phố Hàng Trống trong khu phố cổ ngày nay có xuất xứ từ làng Đọi Tam.
Nghề chạm khắc gỗ
Thợ thủ công Phan Văn Quang được sinh ra trong một gia đình làm nghề điêu khắc gỗ có quê gốc ở làng Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Hiện tại, ông kinh doanh các các loại khuôn bánh đẹp mắt do chính mình chế tác trên phố Hàng Quạt ở khu phố cổ Hà Nội. Thực chất, chúng được sản xuất trong một xưởng nghề của gia đình ông tại làng Đồng Kỵ.
Làng sơn mài Hạ Thái
Ở làng Hạ Thái, gia đình ông Bằng tạc gỗ và sơn màu các sản phẩm rối nước truyền thống cho Nhà hát Múa rối Thăng Long (57B Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hạ Thái là làng nghề sơn mài thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội, nổi tiếng cả nước với lịch sử hơn 200 năm tuổi.
Làng mây tre đan Phú Vinh
Làng Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ) nằm cách Hà Nội 35km về phía Tây Nam. Khởi đầu từ các loại giỏ đựng gạo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cách đây 400 năm, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh hiện có mặt ở khắp nơi trên thế giới với nhiều mẫu mã khéo léo, đa dạng...
Nghề thủ công gia truyền
Trong khi nhiều sản phẩm thủ công ở các làng nghề lân cận Hà Nội đều mang tính chất gia truyền: người trẻ kế tục tinh hoa, bí quyết từ thế hệ đi trước thì một số gia đình lâu đời đã mạnh dạn điều hành nhà máy quy mô nhỏ, sử dụng nhiều nhân công.
Các nghề thủ công gia truyền chiếm tỉ trọng đáng kể trong GDP của Việt Nam, nhưng hầu hết sản phẩm vẫn đều làm bằng tay, giống như hình ảnh này ở làng Đồng Kỵ.
Làng mỹ nghệ sừng trâu, bò Thụy Ứng
Nghề chạm sừng Thụy Ứng có từ thời Vua Lê Trung Tông (thế kỷ XVI). Ban đầu, thợ thủ công chỉ làm lược sừng, nhưng ngày nay các mặt hàng đã lên tới con số trên 200, với thìa, bát, đồ trang sức, thắt lưng, khung tranh ảnh, mỹ nghệ từ sừng trâu, bò... xuất khẩu sang các nước Âu – Mỹ.
Khi tham quan Thụy Ứng, việc đi tản bộ quanh ao làng và chùa chiền khiến bạn có cảm giác được trở về quá khứ nguyên sơ, mộc mạc thời xưa của Việt Nam. Vì vậy, đừng quá ngạc nhiên nếu bất chợt bắt gặp một số loại máy móc hiện đại lúc ghé qua xưởng nghề nào đó nhé!
VIỆT NAM – VẺ ĐẸP BẤT TẬN Với nét độc đáo, giàu bản sắc truyền thống trong sự đa dạng nhưng thống nhất, đất nước – con người cùng nền văn hóa Việt Nam khiến không ít bạn bè quốc tế phải trầm trồ, thán phục. Qua chuyên đề "Vẻ đẹp hình chữ S trong con mắt truyền thông quốc tế", Thời Đại muốn gửi đến bạn đọc những góc nhìn thú vị – sáng tạo – mới lạ – đa chiều của các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới khi đưa tin/ghi hình và tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam trên nhiều phương diện: văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ẩm thực, thiên nhiên, di sản, sự phát triển năng động của nền kinh tế – xã hội... |
Thủy Chinh