Chuyện người Nghệ An lao động “chui" tại xứ sở Kim Chi
Giấc mơ đổi đời
Theo số liệu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cung cấp, lao động bất hợp pháp của Nghệ An tại Hàn Quốc năm 2018 là 2.268 người. Tính từ thời điểm năm 2005 đến cuối 2017, hiện nay, số lượng người lao động Nghệ An tại Hàn Quốc là 7.400 người.
Vậy nhưng sau khi hết hạn hợp đồng lao động, họ không trở về quê hương mà trốn ở lại để tiếp tục làm thêm. Ai cũng hiểu, mong muốn làm việc để kiếm tiền của người lao động là chính đáng. Song sự chính đáng đó phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc trốn ở lại của lao động Nghệ An khi đã hết hợp đồng là vi phạm pháp luật. Dù đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, nhưng tỷ lệ lao động Nghệ An trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn ở mức rất cao.
Hiện nay tỉ lệ này là trên 40%. Bên cạnh đó, rất nhiều lao động khi mới sang được một thời gian ngắn, đã trốn ra bên ngoài làm để tăng thu nhập so công ty mình đã ký hợp đồng trước đó.
Ảnh minh họa.
Lẽ dĩ nhiên, số lượng người lao động bất hợp pháp tồn tại rất nhiều và với thời gian lâu như vậy, có lý do là một số ông chủ nhỏ vẫn sử dụng nguồn lao động này. Bởi, thuê lao động người Việt Nam rẻ hơn nhiều so với trả công cho người lao động Hàn Quốc, còn không phải đóng bảo hiểm và các khoản khác.
Anh Cao Xuân N., ở huyện Thanh Chương, người có 6 năm lao động chui tại Hàn Quốc, tổng số thời gian anh N. ở Hàn là 10 năm, hiện đã về nước, chia sẻ: ”Cuộc sống ở nhà vốn vất vả, ra đi mong tích góp một chút vốn về đỡ đần cho gia đình. Nhưng khi xa quê hương, không như mình nghĩ, mọi thứ đắt đỏ, khí hậu khác quê nhà. Để kiếm đồng tiền rất cực, khi mình theo những người đi trước ra ngoài làm rất áp lực, luôn trong tâm thế sẵn sàng chạy trốn nếu chính quyền sở tại phát hiện”.
“Vậy nhưng, với hy vọng...cố gắng lên nữa để cho gia đình bớt khổ. Cuộc sống cứ như vậy kéo dài đến tận 10 năm". Anh N., trầm tư chia sẻ tiếp.
Nan giải lao động “bất hợp pháp”
Từ tháng 2/2017, Bộ Tư pháp Hàn Quốc phối hợp với cảnh sát toàn quốc sử dụng “Hệ thống điều tra thông tin, thời hạn cư trú của người nước ngoài” bằng phần mềm được cài đặt trên điện thoại. Vì vậy, cảnh sát có thể kiểm tra, bắt giữ lao động bất hợp pháp bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Hàn Quốc có cách quản lý người nước ngoài rất chặt chẽ. Một tuần trước khi hết hạn visa, nhà chức trách đến dán trên cửa nhà có người nước ngoài cư trú tờ giấy yêu cầu gia hạn visa, trong đó ghi rõ thời hạn, địa điểm, thủ tục để họ chuẩn bị.
Đại đa số, lao động Nghệ An tại Hàn Quốc xuất phát từnhững gia đình khó khăn, những vùng quê còn nghèo. Họ ra đi mang trong mình ước mơ đổi đời, mang lại cho gia đình cuộc sống no ấm, sung túc hơn, không còn lo chạy cơm từng bữa.
Trong những năm gần đây, số lượng người người lao động bất hợp pháp Nghệ An tại xứ sở Kim Chi tăng một cách đáng quan ngại. Rất nhiều lao động đã và đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cho hay, trốn ra ngoài làm việc bởi thu nhập cao, ở Việt Nam không kiếm được công việc lao động chân tay có mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng.
11 huyện, thành thị ở Nghệ An có lượng lớn người lao động trốn ra làm ngoài.
Anh Nguyễn Văn D. (34 tuổi, TP.Vinh) đi lao động Hàn Quốc từ năm 2006 theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS). Theo anh D., anh chọn Hàn Quốc bởi mức thu nhập cao, nếu chẳng may gặp rủi ro, tai nạn lao động thì các Công ty Hàn Quốc hỗ trợ mức bảo hiểm khá cao. Lúc mới sang, anh D. làm công nhân may ghế ôtô với mức lương gần 1.000 USD/tháng. Năm 2012, hết hạn hợp đồng phải về nước, anh trốn ở lại, trở thành lao động bất hợp pháp với đủ ngành nghề, từ bốc vác, lau chùi máy móc đến thợ cơ khí. Anh D cho hay: “Những công việc này đều không được đóng bảo hiểm xã hội, chịu rủi ro lớn nhưng thu nhập cao gần gấp đôi, khoảng 1.700 USD trở lên”.
"Cùng lao động 3 năm nhưng có nơi được 500 triệu đồng, nơi được 200 triệu đồng, thì lẽ đương nhiên tôi sẽ nhìn vào nơi 500 triệu đồng", anh D. nói và lý giải cho việc bỏ trốn, vi phạm của mình. Theo anh D., chế độ đãi ngộ trong các công ty ở nước sở tại khá cởi mở, song có một số Công ty chỉ làm giờ cơ bản, không cho làm thêm. Trong khi nhiều lao động Nghệ An thích làm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập nên tìm cách trốn ra làm ngoài.
Ở một khía cạnh nào đó, rất nhiều người chấp nhận cuộc sống tha hương mưu sinh thì đời sống vật chất của gia đình đi lên. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều người, khi người thân của mình tạ thế, cũng không được ở bên cạnh, không thể chứng kiến tuổi thơ con mình lớn lên như thế nào. Trong đó, không ít gia đình khi có chút đỉnh tiền thì con cái ở nhà đã đi vào con đường hư hỏng,... và những hệ lụy đó chắc rằng không đồng tiền nào có thể đánh đổi đuợc???
Cẩm Tú