Chuyên gia VEPR: Việt Nam đang kiểm soát khá tốt tình hình lạm phát
Việt Nam đang kiểm soát lạm phát khá tốt (Ảnh minh họa). |
Theo VEPR, dù hiện tại lạm phát chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực đang gia tăng và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng tới.
Để giảm áp lực lạm phát, VEPR đưa ra 5 nhóm giải pháp cho những tháng cuối năm.
Thứ nhất, cần kiên trì thực hiện các biện pháp ổn đinh kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cần cân nhắc có chọn lọc các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất hoặc người lao động gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng rà soát và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các nhóm sản xuất và dịch vụ có tính đặc thù cao, phụ thuộc vào giá nguyên phụ liệu đầu vào hoặc chi phí logistics.
Thứ hai, Chính phủ vẫn phải linh hoạt và kiên trì các chính sách vừa hỗ trợ kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững như các Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra. Với tình hình kiểm soát lạm phát đã rất khả quan như 8 tháng đầu năm, Việt Nam nên từng bước triển khai các nhóm giải pháp về chính sách, bao gồm cả chính sách về tài khoá và tiền tệ để tiếp tục hỗ trợphục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân qua đại dịch đã chứng tỏ sự linh hoạt và sức chống chịu, vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ trong và sau Covid-19. Do vậy, để phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự lực và có khả năng hội nhập thì việc quan tâm và hỗ trợ, nhất là những hỗ trợ về vốn và tiếp cận thị trường (cả cung và cầu) cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nên là ưu tiên chính sách của Nhà nước nhằm phục hồi tăng trưởng đồng thời góp phần ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.
Thứ tư, khu vực kinh tế đối ngoại, nhất là khối sản xuất vẫn sẽ đóng vai trò chủ công đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm nay. Theo đó, cần tiếp tục quan tâm giải quyết những vướng mắc về môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thiếu lao động hoặc các yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng để hỗ trợ cho khu vực này và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.
Thứ năm, công tác dự báo và đánh giá chính sách cần làm thường xuyên, công khai, minh bạch và kịp thời hơn nữa. Các ngành và các cấp cần thường xuyên cập nhật các chính sách và đặc biệt công bố các dữ liệu để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, tư vấn và phản biện chính sách cũng như báo chí có thể tham gia thực hiện đóng góp và dự báo tình hình kinh tế và có những góp ý điều chỉnh kịp thời các chính sách nhằm vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển và phục hồi tăng trưởng bền vững trong năm 2022 và 2023 đúng như mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết đầu năm của Quốc hội và Chính phủ.
Các đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: Báo Công thương). |
Xuất khẩu tăng trưởng khá cao mặc dù các nền kinh tế đối tác gặp nhiều khó khăn. Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng. Khu vực doanh nghiệp dần phục hồi, doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp trở lại thị trường tăng rất mạnh. Sản xuất công nghiệp khởi sắc... phản ánh nhu cầu trong nước gia tăng cùng với chủ trương mở cửa thị trường dịch vụ và du lịch.
Tuy nhiên, trong 8 tháng, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá cước vận chuyển quốc tế liên tục tăng cao. Các đứt gãy trong chuỗi cung ứng và giá hàng hóa thô toàn cầu tăng cao khiến chi phí vận tải và đầu vào sản xuất của Việt Nam tăng, gây áp lực lạm phát.
Trong khi đó, lạm phát toàn cầu tăng rất mạnh, bên cạnh nguyên nhân cầu kéo và chi phí đẩy còn là hệ quả của việc nới lỏng các biện pháp tài khóa, tiền tệ trong giai đoạn dịch Covid-19, kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng.
Để chủ động ứng phó với rủi ro lạm phát, với các yếu tố nguy cơ cả từ bên trong và bên ngoài, thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái chính sách được đánh giá là khá linh hoạt, phù hợp tình hình hiện tại.
Đơn cử như, Ngân hàng Nhà nước liên tục sử dụng các biện pháp “bơm - hút” tiền đan xen; kết hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa. Việc thực hiện bơm - hút tiền liên tục nhằm kiểm soát thanh khoản thị trường, điều tiết cung tiền, hướng tới thực hiện hai mục tiêu lớn: Ổn định mặt bằng lãi suất và giữ ổn định tỷ giá và giá trị đồng VND, qua đó kiểm soát, đối phó với áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu như giảm thuế, ổn định giá cả và nguồn cung đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu giúp ổn định mặt bằng giá cả.
"Nhìn chung, áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu, song Việt Nam vẫn đang kiểm soát khá tốt tình hình", các chuyên gia tại VEPR nhận định.