Chuyên gia Nga nhận định: Mỹ là phía 'buông tay' trước trong mối quan hệ song phương
Theo các chuyên gia Nga, một trong những hậu quả nghiêm trọng của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là phá vỡ lòng tin và gia tăng các nguy cơ.
Khi không có INF, cả Nga và Mỹ sẽ phát triển các hệ thống tên lửa và triển khai các hệ thống đó. Nguồn: TASS |
Được biết, cách đây hai năm, ngày 2/8/2019, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Hiệp ước này được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987. Theo đó,các bên cam kết không được sản xuất, thử nghiệm và triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất.
Hiệp ước INF chính thức có hiệu lực ngày 1/6/1988. Trước khi Mỹ đơn phương chấm dứt hiệu lực của INF thì đây là một Hiệp ước không bị ràng buộc về thời gian.
Giới chuyên gia Nga cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF đã gây ra sự suy giảm lòng tin và thái độ nghi kỵ lẫn nhau về sự ổn định chiến lược trong quan hệ Nga-Mỹ, đồng thời làm gia tăng các nguy cơ trong trung hạn và dài hạn.
“Việc Mỹ rút khỏi một hiệp ước quan trọng như INF chỉ mang lại những hậu quả tiêu cực. Những hậu quả tiêu cực này thường mang tính chính trị-tâm lý nhiều hơn là kỹ thuật-quân sự, làm gia tăng các nguy cơ trong bối cảnh thế giới vốn đã rất u ám” - Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga Andrei Kortunov cho biết.
Theo ông Andrei Kortunov, cũng chính vì sự kiện này mà cơ chế phối hợp hành động Nga-Mỹ cũng bị phá vỡ. Vị chuyên gia này đánh giá rằng những hậu quả tiêu cực của việc Mỹ rút khỏi INF sẽ tác động đến lòng tin và độ minh bạch trong quan hệ Nga-Mỹ.
"Hiệp ước INF hết hiệu lực, và tiếp theo là Hiệp ước bầu trời mở. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải đánh giá tình hình trong một tổng thể và bằng mọi cách để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra”, ông Andrei Kortunov nói.
Sau khi INF hết hiệu lực, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đưa ra đề xuất để giải quyết tình hình căng thẳng ở châu Âu nhưng đã không được đáp lại.