Chuyên gia Nga bàn về triển vọng hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại lương thực
Hội thảo diễn ra vào ngày 23/10 tại trụ sở Quỹ Thế giới Nga (Quỹ thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Putin) với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu Nga đến từ các viện, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Nga (Viện nghiên cứu chiến lược trực thuộc Tổng thống Nga, Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp, Đại học Kinh tế cao cấp Liên bang Nga, Học viện Kinh tế và Hành chính quốc gia Nga và một số viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga…); đại biểu khách mời từ Việt Nam (ông Võ Trí Thành - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam); đại diện của Ủy ban Kinh tế Á-Âu, Bộ Phát triển Kinh tế, Bộ Ngoại giao Nga…; đại diện giới doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Quỹ đầu tư quốc gia Liên bang Nga; đại diện của các cơ quan truyền thông Nga và Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, ngoài các ý kiến tham luận về những xu hướng trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong khuôn khổ APEC, các chuyên gia Nga đã tập trung thuyết trình về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong một số lĩnh vực cụ thể trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và thương mại lương thực.
Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sỹ kinh tế Yakovlev Artem Aleksandrovic (chuyên viên Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện Kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học Nga), kết quả của chính sách thay thế nhập khẩu của Nga trong nông nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất nông sản thời gian gần đây có những thay đổi rất ấn tượng. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga, khối lượng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp năm 2014 là 39,9 tỷ USD giảm xuống chỉ còn 26,6 tỷ vào năm 2015. Năm 2015, sản lượng thịt tăng 477,4 nghìn tấn, sản xuất thịt gia cầm 653,5 nghìn tấn, phô mai và sữa chua tăng 281,6 nghìn tấn. Cùng với sự thay đổi chính sách thay thế nhập khẩu của Nga, cơ cấu hàng hóa của kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam cũng thay đổi.
Bà Glinkina Svetlana Pavlovna (Giám đốc Khối nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện Kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho rằng Hiệp định thành lập khu vực mậu dịch tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận hàng hóa và dịch vụ trong thị trường các nước nằm trong hiệp định, giảm thuế hải quan, phát triển thương mại điện tử. Các cơ quan thống kê và chuyên gia Nga tính rằng việc cắt giảm thuế hải quan đối với hầu hết hàng hóa sẽ tạo cơ hội để tăng thương mại hai chiều 4 tỷ USD trong năm 2016 lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Từ tháng 10/2016 đến tháng 4/2017, kim ngạch thương mại giữa EAEU và Việt Nam tăng 28%. Miễn và giảm thuế nhập khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi để tăng kim ngạch xuất khẩu từ các nước EAEU đến Việt Nam các sản phẩm lúa mì, ngô, phân bón, các loại kim loại. Xuất khẩu từ Việt Nam các mặt hàng điện thoại di động và phụ kiện điện thoại, giầy dép, dệt may, cao su, cá và hải sản sang thị trường chung rộng lớn và triển vọng của các nước EAEU cũng tăng lên.
Bà Glinkina Svetlana Pav lovna - Giám đốc khối nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Vien Kinh tế Viện Hàn lâm khoa học Nga chủ trì phiên thảo luận về Nông nghiệp va An ninh lương thực
Khả năng triển khai các dự án chung giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có nhiều triển vọng. Năm 2016, Tập đoàn TH-True Milk, có công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm sữa đã ký một thỏa thuận với Chính phủ vùng Kaluga để bắt đầu hoạt động chung. Một đề nghị tương tự đã được Việt Nam đưa ra trong tháng 9/2017 tại Diễn đàn kinh tế Đông ở Vlapostok về việc tổ chức một tổ hợp nông nghiệp quy mô lớn hiện đại tại một trong những khu vực thuộc vùng Viễn Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgunov tại cuộc đối thoại chiến lược cũng cho biết Nga có mong muốn các sản phẩm nông nghiệp của Nga đến được thị trường Việt Nam.
Đánh giá về hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu sau một năm chính thức đi vào hoạt động, hai chuyên gia Trigubeko Maria Evghenievna và Lezennhina Tachiana (chuyên gia cao cấp Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á thuộc Viện Kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học Nga) có cùng quan điểm khi cho rằng hiệp định về khu vực mậu dịch tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam sau một năm chính thức đi vào hoạt động đã có tác động tích cực, góp phần làm tăng đáng kể kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước trong Liên minh này nói chung và Việt Nam – Liên bang Nga nói riêng.
Những vấn đề liên quan đến triển vọng hợp tác Việt Nam và Liên bang Nga được các chuyên gia trình bày tại Hội thảo thực tiễn nhân Năm APEC Việt Nam 2017 đã cho thấy mức độ quan tâm của giới chuyên gia, học giả Nga đối với quan hệ hai nước hiện nay. Những ý kiến đóng góp khách quan và có giá trị thực tiễn trong bối cảnh hai nước sẽ tiếp tục có sự phối hợp trong khuôn khổ hợp tác APEC, trước mắt góp phần đảm bảo sự thành công của Năm APEC Việt Nam 2017 và hướng tới Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng - Việt Nam sắp tới.
PV