Chương trình sữa học đường ở Hà Nội: “Không ép buộc, không đánh giá thi đua”
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Theo đề án này, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại Hà Nội sẽ được thụ hưởng chương trình trợ giá uống sữa theo năm học, từ năm học 2018- 2019 đến hết năm 2020.
Với định mức mỗi trẻ mẫu giáo, học sinh được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin với báo chí về chương trình sữa học đường.
Theo cơ chế hỗ trợ đề án sữa học đường, trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học thuộc diện nghèo cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí. Trong đó ngân sách hỗ trợ 50% tiền sữa, DN cung cấp sữa hỗ trợ 50%.
Đối với học sinh bình thường, ngân sách hỗ trợ 30% tiền sữa, DN cung cấp sữa hỗ trợ 20% tiền sữa, 50% tiền sữa sẽ do phụ huynh học sinh đóng góp.
Ông Tiến cho biết, mức giá một hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/ hộp/180ml. Tức mỗi học sinh bình thường phải đóng góp 3.400 đồng/hộp, số tiền một tháng uống sữa là khoảng 70 nghìn đồng, chỉ tương đương với 2 bát phở vào buổi sáng.
Theo ông Tiến, hiện cơ quan này đang phát hành hồ sơ mời các nhà sản xuất sữa tham gia đấu thầu cung cấp sữa cho chương trình sữa học đường.
Trước câu hỏi về việc học sinh có bắt buộc phải tham gia chương trình sữa học đường, ông Tiến cho rằng, phụ huynh hoàn toàn có thể không đăng ký và cho con tự đưa sữa ở nhà đến trường uống được.
"Về tinh thần, việc tham gia là tự nguyện, không bắt buộc. Với những phụ huynh không có nhu cầu cho con tham gia thì hoàn toàn không cần phải đăng ký và không ai có thể bắt buộc. Thậm chí, kể cả dù đã đăng ký tham gia, nếu thấy không phù hợp và cần thiết thì có thể dừng tham gia bất cứ lúc nào. Không có chuyện thi đua trong việc uống sữa nhiều", ông Tiến nói.
Nhiều người ủng hộ chương trình sữa học đường.
Ông Tiến thông tin, chất lượng, thành phần cung ứng sữa học đường được đảm bảo chặt chẽ. Sữa học đường khác với các loại khác là được bổ sung thêm một số vi lượng và khoáng chất để tăng chiều cao.
Đồng thời Hà Nội liên kết chặt chẽ với Bộ Y tế để kiểm định, giám sát chất lượng. Phụ huynh cũng có thể tham gia việc test chất lượng sữa.
Trả lời một số câu hỏi liên quan đến băn khoăn về việc áp dụng đại trà trên địa bàn toàn thành phố cũng như nhu cầu của một số gia đình, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh rằng: "Con các vị có thể uống sữa Mỹ, sữa Úc nhưng chưa chắc đã có thành phần dinh dưỡng mà người Việt Nam cần. Đừng nghĩ nhà tôi giàu có, uống gì loại sữa đấy, nhầm hết… Vì sữa này có bổ sung thêm các chất cần thiết cho trẻ Việt Nam như canxi, sắt, vitamin D…”, ông Tiến nói.
Về hãng sữa nào sẽ được chọn, ông Tiến cho biết: Sở mới phát hành hồ sơ thầu, ngày 1/10 mới đóng thầu. Lúc đó, mới có kết quả cụ thể. “Chúng tôi tin chắc phải là các hãng sữa lớn mới đảm nhận được chương trình. Bởi một ngày, nếu 90% học sinh tham gia thì phải một triệu hộp sữa/ngày.Chắc chắn đó phải là các hãng sữa lớn mà các hãng sữa lớn, họ rất quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm.Vì nếu có trường hợp bị làm sao, hãng sữa sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.Hãng sữa nào phải chờ kết quả thì mới thông tin được”, ông Tiến nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, chưa biết sẽ cho trẻ uống sữa gì, sao Hà Nội bảo phụ huynh đăng ký mua?. Sữa học đường thì phải được uống ở trường. Nếu đem về nhà, trẻ vứt vào thùng rác thì sao? Trẻ hoàn toàn có thể đem vỏ sữa về để bố mẹ biết thành phần, hạn sử dụng, có nhãn mác, tem riêng.Giáo viên thậm chí phải uống sữa trước các cháu vì nếu có bị gì, các cô bị trước.
Trả lời tại cuộc giao ban, ông Tiến một mực khẳng định:"Chúng tôi triển khai bằng văn bản, triển khai đến các trường hoàn toàn tự nguyện. Chúng tôi còn thông tin thêm nếu các cháu đã đăng ký sau thấy không có nhu cầu có thể dừng. Không có chuyện ép buộc thi đua trong đăng ký sữa học đường.
Có trường uống sữa rồi, chúng tôi vẫn thông tin. Trường và học sinh phụ huynh tự trao đổi với nhau xem có cần uống sữa học đường không. Nhưng bằng kinh nghiệm của tôi, con tôi cao 1m85, uống sữa nhiều rất tốt. Vì thế, nếu phụ huynh và nhà trường thống nhất có nhu cầu đăng ký thêm cũng không sao cả. Không ép buộc, đánh giá ai cả.Các em không uống được sữa mà bắt các em uống sữa là không được. Khi chấm thầu xong, có quyết định của thành phố về đơn vị trúng thầu sẽ có cuộc họp báo công khai."
Xuân Hòa