Chung tay vì một xã hội an toàn trước thiên tai
Tối ngày 20/5 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình Hưởng ứng Ngày truyền thống phòng chống thiên tai với chủ đề “Chung tay vì một xã hội an toàn trước thiên tai”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
Tham dự Chương trình có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế và phóng viên báo chí.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Chương trình (Ảnh: Đ.H)
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nên công tác phòng, chống thiên tai luôn được Việt Nam đặc biệt coi trọng. Ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, trong bối cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 quyết định thành lập Uỷ ban Trung ương hộ đê (tiền thân của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ngày nay) vào ngày 22/5/1946 để chăm lo việc giữ đê, phòng lụt, bảo vệ cuộc sống và sản xuất của nhân dân. Và tại Quyết định số 89-HĐBT, ngày 21/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 22/5 hàng năm đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định chọn là ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam nhằm động viên nhân dân, cán bộ và chiến sỹ cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phòng, chống thiên tai.
Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian vừa qua, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai dần được hoàn thiện và đi vào cuộc sống. Tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai các cấp đã từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu quả. Công tác dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, điều hành ứng phó, đặc biệt là trong tình huống thiên tai lớn như lũ, bão có nhiều tiến bộ. Công tác truyền thông được tăng cường, bước đầu đã tạo được chuyển biến tích cực trong công tác xã hội hoá đối với hoạt động phòng, chống thiên tai. Đã huy động được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực tư nhân và toàn dân tích cực tham gia xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới đang đứng trước nhiều thách thức. Thiên tai có xu hướng tiếp tục diễn biến phức tạp, trái với quy luật với mức độ ngày càng nghiêm trọng; xuất hiện tại những vùng trước đây ít xảy ra. Với số dân gần 100 triệu người, quy mô nền kinh tế của nước ta ngày càng tăng và trải khắp các vùng miền, nên đối tượng cần bảo vệ trước thiên tai đã gia tăng nhanh chóng và đa dạng hơn so với trước đây.
Để góp phần thiết thực trong công tác phòng, chống thiên tai, ngoài những hoạt động theo chương trình, kế hoạch, cả hệ thống chính trị đã và đang tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc như: đẩy nhanh việc xây dựng 4.000 căn nhà phòng chống bão lũ cho người dân nghèo vùng ven biển miền Trung. Thực hiện các dự án di dân khẩn cấp vùng lũ ống, lũ quyết, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các hoạt động của các đơn vị, tổ chức, nhất là công tác phòng, chống thiên tai trong nhà trường, phòng tránh đuối nước cho trẻ em, công tác dự báo, cảnh báo, thông tin… và, tất cả các lực lượng như dân quân tự vệ, chữ thập đỏ, thanh niên, phụ nữ,… đều vào cuộc. Đặc biệt, các cơ quan thông tấn báo chí đã đồng loạt triển khai tuyên truyền, nâng cao kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân. Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tổ chức quốc tế đã có những hỗ trợ thiết thực công tác phòng, chống thiên tai cũng như hỗ trợ về vật chất góp phần giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống.
Cũng tại Chương trình, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã trao tặng cho một số địa phương tiền và hiện vật trị giá khoảng 31,5 tỷ đồng; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng đã tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống thiên tai./.
Theo dangcongsan.vn