Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam
Đẩy mạnh hành động vì nạn dân chất độc da cam
Tối 10/8, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701) và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức Chương trình giao lưu- nghệ thuật “Hồi sinh từ mảnh cầu vồng”.
Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2022) và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8).
Các đại biểu nhắn tin chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 2022 với cú pháp “Da cam” gửi 1409. Mỗi tin nhắn trị giá 20.000 đồng (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) |
Phát biểu khai mạc chương trình, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nêu rõ: Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng hậu quả của chất độc hóa học gây ra còn lâu dài. Nhận thức rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam. Hàng năm, Nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ, thực hiện chính sách đối với người có công, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu của họ bị di chứng chất độc da cam. Tuy nhiên, cuộc sống của nạn nhân và gia đình họ còn nhiều khó khăn, vất vả, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Ông Nguyễn Văn Rinh kêu gọi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị- xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân tiếp tục đẩy mạnh Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, thiết thực giúp đỡ nạn nhân cả về vật chất và tinh thần để họ vơi bớt nỗi đau, từng bước ổn định cuốc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ông cũng kêu gọi Chính phủ, nhân dân Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Việc không của riêng ai
Chia sẻ tại chương trình, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết đất nước Nhật Bản đã phải chịu những mất mát đau thương từ chiến tranh. Đồng cảm với những đau thương đó, những năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhiều tổ chức của Nhật bản đã phối hợp rất tốt với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và có những viện trợ đạt hiệu quả tốt. Nhân dân Nhật Bản và chính giới Nhật Bản rất quan tâm đến việc hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Chính phủ và các tổ chức ở Nhật Bản tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
Em Đào Hoàng Yến, Trưởng nhóm từ thiện Revivall, Trường Quốc tế Liên hợp quốc (UNIS) cho biết: "Là thế hệ trẻ không trực tiếp sống trong chiến tranh, nhưng tìm hiểu qua gia đình, các bác cựu chiến binh và được đi thăm nạn nhân chất độc da cam, các em đã thấy nỗi đau khổ, bệnh tật, vất vả của nạn nhân và nhận thức việc chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam không phải của riêng ai mà của cả cộng đồng, trong đó có thế hệ trẻ. Vì thế, các em lại chọn nạn nhân chất độc da cam để giúp đỡ, chia sẻ. Mặc dù vẫn phải đi học, song các em sẽ xây dựng kế hoạch hợp lý để vừa đi học, lại vừa tham gia công tác thiện nguyện, trong đó có giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam".
Tại chương trình, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, như Công ty Xây dựng Sài Gòn 1 tỷ đồng; Nhóm thiện nguyện RevivAll, Trường UNIS Hà Nội 520 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam 100 triệu đồng; ông Phạm Hoàng Minh 50 triệu đồng...
Bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Chủ tịch - Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trao tặng 10 xe đạp và 10 suất quà cho các cháu nạn nhân chất độc da cam.