Chung sức, đồng lòng vượt thách thức
Sáng tạo để vượt khó
Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, chủ những tàu đánh bắt thủy sản đã thay đổi cách hoạt động nhằm giảm tối đa nhiên liệu. Ngư dân Phạm Văn Hồng, ngụ xã An Thủy, huyện Ba Tri (Bến Tre) có một chiếc tàu chuyên nghề lưới đánh bắt cá mồi dầu với 12 lao động đã tiết kiệm mọi chi phí liên quan.
Trước đây, một chuyến biển bốn ngày, chiếc tàu của ông tốn chi phí khoảng 25 triệu đồng thì giờ đã tăng lên gần 40 triệu đồng. Ông Hồng cho biết: "Bây giờ chuyến đi biển thường xuất phát sớm hơn vài giờ để chạy ga nhỏ ra biển nhằm đỡ tốn nhiên liệu. Khi đánh bắt không có cá phải nằm lại ngoài biển thêm vài ngày để mong có lời chút đỉnh chia cho lao động trên tàu".
Đồng hành cùng ngư dân, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre có văn bản gửi chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh xem xét các chính sách hỗ trợ ngư dân như đề nghị khoanh nợ, giãn nợ đối với các hộ đang vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, tăng mức cho vay vốn lưu động cho ngư dân mua dầu và chi phí cho chuyến biển nhằm giúp ngư dân vượt qua khó khăn.
Tàu cá neo bờ ở Ninh Thuận. |
Chú trọng về mặt chất lượng thay vì chạy theo sản lượng trong khai thác như lâu nay, nhiều tàu khai thác xa bờ tại Phú Yên đã chuyển sang đi khai thác dài ngày trên biển. Các tàu khai thác theo hình thức tổ đội sản xuất, hỗ trợ nhau vận chuyển sản phẩm đánh bắt vào bờ tiêu thụ, thông tin về vùng biển có trữ lượng hải sản lớn. Trung tá Trần Quốc Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuy Hòa, Bộ đội Biên phòng Phú Yên cho biết: "Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi tuyên truyền vận động ngư dân đánh bắt theo tổ đội đoàn kết. Đặc biệt vận động ngư dân khi gặp những vùng có nhiều cá thì chủ các ghe thuyền đánh bắt thông tin cho những tàu cá gần đó để tiếp cận vùng có sản lượng cao hơn".
Cùng với việc vận động ngư dân tăng cường liên kết khi khai thác trên biển, ngành nông nghiệp các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính về đăng kiểm phương tiện, đăng ký mở biển, cập cảng, xác nhận nguồn gốc hải sản… cho ngư dân. Tiến hành chi trả kịp thời khoản hỗ trợ về nhiên liệu theo Quyết định 48 của Chính phủ và những khoản hỗ trợ khác từ ngân sách địa phương dành cho ngư dân. Do đó, tính riêng tại tỉnh Phú Yên, số tàu câu cá ngừ đại dương bám biển khai thác vẫn chiếm tới hơn 70%.
Ngư dân Lê Văn Lập, lao động trên tàu cá NT 90959 TS ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), chuyên khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa cho biết, tham gia các Tổ đoàn kết khai thác trên biển có lợi rất nhiều về chi phí cũng như hiệu quả khai thác. Nếu trước đây, mỗi tàu tự dò tìm luồng cá để khai thác, nay chỉ cần cử 1 hoặc 2 tàu trong tổ sử dụng máy dò ngang để dò tìm.
Khi phát hiện đàn cá, nhanh chóng thông báo qua thiết bị vệ tinh để các tàu khác di chuyển theo hướng thông tin và cùng khai thác trọn vẹn luồng cá. Khi có sản phẩm, chỉ bố trí một tàu chở hải sản về bờ xuất bán, sau đó sẽ hỗ trợ chi phí tiền dầu cho nhau để vừa cung cấp hải sản kịp thời, vừa tiết kiệm được nhiên liệu cho những tàu còn lại. Chi cục trưởng Thủy sản Ninh Thuận Đặn Văn Tín nhấn mạnh: Mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, đồng hành trong việc ổn định đầu ra cho mặt hàng hải sản, hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và cước phí liên lạc trên biển, quan tâm xem xét việc tăng thêm số chuyến biển được hỗ trợ nhiên liệu cho chủ tàu từ 4 chuyến/năm lên 6 chuyến/năm.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, Trần Văn Phúc: Cơ quan chủ quản đã khuyến cáo ngư dân đẩy mạnh sản xuất đối với một số nghề tiêu tốn ít nhiên liệu, sử dụng máy tàu có công suất phù hợp, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng hiệu quả thông tin từ bản tin dự báo ngư trường để giảm chi phí hành trình tìm ngư trường.
Tổ chức cho các doanh nghiệp, thương lái, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân. Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh có hai báo cáo gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét, sớm cấp bổ sung kinh phí có mục tiêu cho ngân sách tỉnh để chi hỗ trợ ngư dân.
Xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời
Xuất phát từ những đòi hỏi cấp thiết ở các địa phương có nghề biển và ngư dân cả nước, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, các hiệp hội nghề biển liên tục có động thái tích cực để hỗ trợ cho ngư dân đang gặp khó. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển khuyến cáo chủ tàu có tàu cá nằm bờ tranh thủ thời gian ngừng sản xuất thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu, ngư lưới cụ, trang thiết bị, tạo điều kiện bố trí, giải quyết việc làm tạm thời cho lao động trên tàu cá trong thời gian tàu tạm ngừng sản xuất.
Đề xuất cấp có thẩm quyền của địa phương xem xét, hỗ trợ ngư dân phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá để hỗ trợ giảm một phần chi phí cho ngư dân. Đề nghị các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng xem xét phương án khoanh nợ, giãn nợ vay cho các chủ tàu trong tình hình hiện nay, tiếp tục tạo điều kiện cho vay vốn lưu động làm chi phí chuyến biển, giúp ngư dân có kinh phí phục vụ sản xuất. Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình hoạt động, hiệu quả sản xuất của ngư dân để kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả.
Cuối tháng 6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội đề nghị xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá. Theo đó, đề nghị hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng, thời gian hỗ trợ trước mắt sáu tháng. Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Vụ trưởng vụ Khai thác thủy sản Nguyễn Văn Trung phân tích thêm: Khi xây dựng chính sách, chúng tôi phải tìm hiểu kỹ, cân nhắc để làm sao hỗ trợ cho ngư dân tốt nhất, nhưng đồng thời không "dẫm chân" hay trùng lặp, thậm chí trái với các quy định khác. Thí dụ như việc hỗ trợ giá xăng dầu, nhiên liệu không thể để ra mức "vượt khung", vì thế phải xây dựng thêm chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội thông qua mức lương tối thiểu của người lao động theo quy định…
Trong đầu tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các đối tượng ngư dân sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, đối với những tàu cá vay vốn đóng mới theo Nghị định 67 vốn đang gặp khó về trả nợ lại tiếp tục phải gồng gánh "bão giá" hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo Chính phủ và phối hợp các bộ, ngành, địa phương đề xuất một số nội dung chủ yếu sau: Quy định cơ cấu lại nợ (điều chỉnh thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…) để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động, sản xuất, trả nợ vốn vay.
Tàu khu trục Mỹ thách thức các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông Ngày 16/7, Hạm đội 7 Mỹ thông báo, tàu khu trục USS Benfold tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông, với lần thứ hai trong tuần qua tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển này. |
Tọa đàm trực tuyến "Hiệp định CPTPP - Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam" Sáng 28/7, Báo Công Thương sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hiệp định CPTPP - Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam”. |
Các chương trình hỗ trợ, hợp tác quốc tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Ða dạng, thiết thực, toàn diện Bên cạnh việc phát huy nội lực, thời gian qua ngành Y tế Bình Ðịnh còn được nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế hỗ trợ. Từ những chương trình đa dạng, thiết thực, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được toàn diện hơn, qua đó còn giúp người dân có thêm điều kiện tiếp cận với nhiều tiến bộ y khoa. |