Chung sức, chung lòng đưa chính sách rất mới, rất nhân văn của Chính phủ đi vào cuộc sống
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: VGP |
Ngày 12/10, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Quyết định số số 22/2023/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng đại diện các bộ ngành. Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Bộ Công an với các địa phương trong cả nước. Tổng số người dự hội nghị tại các điểm cầu là hơn 25.000 người.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an: Tín dụng ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù là một chính sách rất mới, rất nhân văn và rất có ý nghĩa đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ảnh: VGP |
Tín dụng ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù: Chính sách rất mới, rất nhân văn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Đây là một hội nghị rất quan trọng, triển khai một chính sách rất mới, rất nhân văn và rất có ý nghĩa đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, công tác tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thời gian qua, công tác này đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.
Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu như mong muốn. Trong đó, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ ngời chấp hành xong án phạt tù có công ăn việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các bộ ngành liên quan đã nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Đây là lần đầu tiên chúng ta có một cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tụ được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sóng, đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng: Sau 2 ngày Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg có hiệu lực đã có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù bao gồm 16 Điều và 02 mẫu biểu. Trong đó quy định rõ ràng về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay... đồng thời cũng quy định cụ thể về nguồn vốn cho vay để thực hiện chính sách.
Việc quy định các nguồn vốn để bố trí cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong đó có nguồn vốn từ ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, thực hiện nội dung này cũng chính là góp phần thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Ngay sau khi Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023 đến ngày 12/10/2023 đã có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Qua tổng hợp nhanh từ các địa phương, hiện có 2.089 người mãn hạn tù có nhu cầu vay vốn với tổng số tiền 138 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã cho vay được hơn 9,3 tỷ đồng với 191 người chấp hành xong án phạt tù để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh.
Qua đó, ông Dương Quyết Thắng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung triển khai các đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, quán triệt Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt nội dung của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tham luận tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTBXH, tỉnh Bắc Giang, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), Công an tỉnh Hà Nam,… nhấn mạnh rằng, Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một chính sách có ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu thiết thực là cung cấp nguồn vốn nhằm tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho những người đã không may lầm lỡ, vi phạm pháp luật làm lại cuộc đời.
Qua đó, đại diện các bộ ngành, địa phương cũng đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về những vấn đề cần quan tâm, giải pháp cần tập trung để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách này.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Ảnh: VGP |
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội đã rất chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg và kịp thời tổ chức hội nghị trực tuyến quy mô rất lớn, đến tận cơ sở, đông đảo đại biểu để quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung trong quyết định nhằm thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết định này trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cho rằng: "Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội đã rất quyết liệt trong công tác tham mưu, nhưng quan trọng là các đồng chí đã chọn rất đúng, rất trúng. Bởi với những người không may lầm lỡ, vi phạm pháp luật khi trở về với cộng đồng thì tâm lý ít nhiều cũng có sự tự ti, việc dang tay đón họ trở lại là việc làm rất nhân văn và có ý nghĩa giúp họ sớm ổn định cuộc sống là rất ý nghĩa".
Theo Phó Thủ tướng: "Các đồng chí, không chỉ lựa chọn nội dung đúng, phối hợp chặt chẽ, phân công rõ ràng, tham mưu nhanh, phương pháp tổ chức triển khai cũng rất đồng bộ qua cơ chế Ngân hàng Chính sách xã hội, tin tưởng chắc chắn rằng, chính sách này sẽ đi vào cuộc sống.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Những năm qua, các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước trong công tác này, nhất là Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, các Nghị định số 49/NĐ-CP ngày 17/4/2020, Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng và các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Qua đó, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, giúp đỡ được nhiều người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về địa phương ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên chưa có cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ về nguồn vốn, do đó Quyết định 22 ra đời đã đáp ứng rất kịp thời đòi hỏi của thực tiễn.
Để triển khai thực hiện Quyết định 22/2023/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ thống nhất, nhất quán, hiệu quả, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, Bộ Công an là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 22 tiếp tục chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyển địa phương triển khai quyết định có hiệu quả, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đưa chính sách nhân văn, nhân đạo này thực sự đi vào cuộc sống.
Tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ.
"Muốn triển khai hiệu quả chương trình này thì phải có vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tính toán, nhưng các địa phương cũng phải có trách nhiệm, ủng hộ, hỗ trợ để chung tay chăm lo cho người yếu thế và những người lầm lỡ", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Thứ hai, là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng Chính sách xã hội cần triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, cần chủ động để bảo đảm nguồn vốn cho vay.
Nhấn mạnh Ngân hàng Chính sách xã hội là mô hình rất ưu việt của chế độ ta, huy động cả hệ thống chính trị vào công tác tín dụng chính sách, với quy mô nguồn vốn hơn 300.000 tỷ, nợ xấu chỉ 0,6%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại, điều này thể hiện uy tín của ngân hàng đối với người nghèo, người yếu thế rất là cao,… Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng nhân văn này.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cùng vào cuộc đồng bộ, giám sát chặt chẽ để đưa Quyết định số 22/2023 đi vào cuộc sống. Ảnh: VGP |
Vào cuộc đồng bộ, giám sát chặt chẽ để đưa chính sách vào cuộc sống
Thứ ba,Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thường xuyên tổ chức giám sát để việc thực hiện chính sách này theo đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ tư, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành đoàn thể ở địa phương cần có nhận thức đúng đắn về vị trí quan trọng, mục đích, ý nghĩa của chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 22.
Ủy ban nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều người chấp hành xong án phạt tù cần quan tâm, chủ động cân đối bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn để cho vay.
Thứ năm, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh để họ chấp hành đúng cam kết khi vay vốn; sử dụng có hiệu quả vốn vay, tạo cơ sở vật chất, thu nhập cho bản thân và đóng góp cho xã hội.
Nội dung, hình thức tuyên tuyền cần phong phú, đa dạng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác này, tăng cường lan tỏa thông điệp tích cực, xóa đi kỳ thị để xã hội đón nhận và hỗ trợ người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
Thứ sáu, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg là chính sách mới, do đó trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các đơn vị có liên quan cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh và có biện pháp xử lý, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để trục lợi.
Thứ bẩy, bên cạnh thực hiện có hiệu quả Quyết định 22, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị ngành Công an tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc tham mưu và phối hợp thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Chủ động nắm chắc tình hình, điều kiện, hoàn cảnh của người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù, người có hoàn cảnh khó khăn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương quan tâm, hỗ trợ họ sớm tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an đến các địa phương trong cả nước. Ảnh: VGP |
Nội dung cơ bản của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù Đối tượng vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Điều kiện vay vốn: Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội; cơ sở sản xuất kinh doanh (được thành lập và hoạt động hợp pháp; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù; có phương án vay vốn). Mục đích sử dụng vốn vay: Chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại; Đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm: Chi phí để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm gồm chi phí cho việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Phương thức cho vay: Đối với người chấp hành xong án phạt tù thì được thực hiện theo phương thức thông qua hộ gia đình; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp. Mức vốn và thời hạn cho vay: Mức vốn cho vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù; đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. |
Đi ngang tuần thứ 2, VN-Index vẫn đứng ngoài cuộc đua của chứng khoán châu Á Dù đang có một loạt chỉ số chứng khoán châu Á tăng hơn 15% từ đầu năm, VN-Index vẫn nối dài chuỗi phiên đi ngang. Thành tích từ đầu năm hiện còn bị thu hẹp sau tuần giao dịch giảm 0,31%. |
Trung Quốc khởi đầu cho thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ mới Tổng giá trị các khoản vay mới tại Trung Quốc trong tháng 5/2023 tăng 11,4% lên 1,36 nghìn tỷ nhân dân tệ tức khoảng 190 tỷ USD, thấp hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. |
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/chung-suc-chung-long-dua-chinh-sach-rat-moi-rat-nhan-van-di-vao-cuoc-song-102231012172620156.htm