Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên đường thăm châu Phi
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
VOV đưa tin vào 13 giờ trưa nay (8/3), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã rời Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Thống nhất Tanzania, Cộng hòa Mozampique và Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 9-15/3/2016, theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania John Magufuli, Tổng thống nước Cộng hòa Mozampique Filipe Jacinto Nyusi và Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani. Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam trong khu vực Trung Đông và Châu Phi.
Cùng tham gia đoàn có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Bộ trưởng Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, các đồng chí lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công thương, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, VCCI.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ cùng lãnh đạo các quốc gia trao đổi các biện pháp thiết thực và cụ thể để tăng cường quan hệ hợp tác truyền thống và hợp tác nhiều mặt, đẩy mạnh hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng, xóa đói giảm nghèo... đồng thời trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Theo VOV, Cộng hòa Thống nhất Tanzania là một trong những nước Đông Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ khá sớm vào ngày 14/2/1965. Hơn 50 năm qua, Việt Nam luôn được lãnh đạo Tanzania coi là tấm gương đấu tranh giành độc lập, giải phóng các dân tộc bị áp bức. Cùng với các nước Châu Phi khác Tanzania đã ủng hộ tích cực đối với Việt Nam những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
Trên các diễn đàn quốc tế, Tanzania cũng là một trong nước đi đầu ủng hộ Việt Nam vào Tổ chức thương mại thế giới WTO, trở thành thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009), thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016), công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Hiện nay, với dân số khoảng gần 50 triệu người, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Tanzania đang triển khai chiến lược “Nông nghiệp là hàng đầu”. Đây cũng là lĩnh vực mà Tanzania mong muốn tăng cường mở rộng hợp tác với Việt Nam. Tuy vây, do điều kiện địa lý xa xôi, quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Tanzania vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của hai nước. Kim nghạch thương mại song phương mới chỉ đạt hơn 170 triệu USD.
Cùng với Tanzania, Mozambique là nước có nhiều thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và có quan hệ hết sức tốt đẹp với Việt Nam. Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 25/6/1975, cũng là ngày Mozambique tuyên bố độc lập, tình đoàn kết truyền thống giữa 2 nước được vun đắp trong suốt hơn 40 năm qua, từ giai đoạn Mozambique tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và Việt Nam đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên nền tảng quan hệ chính trị vững chắc, hợp tác kinh tế cũng như hợp tác trong một số lĩnh vực khác giữa 2 nước thời gian qua có những bước phát triển tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều đoàn chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam đã sang Mozambique nghiên cứu và tìm hiểu đặc điểm thổ nhưỡng, giống lúa để hỗ trợ nông dân Mozambique cải thiện kỹ thuật canh tác, nâng cao năng suất.
Hai nước cũng đã đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế thông qua việc trao đổi đoàn hằng năm. Về thương mại, mặc dù năm 2014, kim ngạch thương mại song phương Mozambique - Việt Nam mới chỉ đạt 300 - 400 triệu USD, song đây là những con số lạc quan so với 10 triệu USD vào những năm 90 của thế kỷ trước. Do vậy, hai nước hoàn toàn có thể tin tưởng vào triển vọng hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực này.
Nằm ở phía Tây Nam châu Á, Cộng hòa hồi giáo Iran có dân số gần 81 triệu dân. Là 2 quốc gia có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử, hơn 40 năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế và ngoại giao giữa 2 nước không ngừng phát triển.
Hai bên đã tiến hành trao đổi các đoàn cấp cao với nhiều chuyến thăm viếng lẫn nhau. Hai bên đã cùng chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế; ký kết nhiều biên bản, thỏa thuận hợp tác.
Năm 1993, hai nước đã ký thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật. Một loạt các Hiệp định sau đó ra đời như: Hiệp định hợp tác văn hóa năm 1999, Hiệp định vận tải biển năm 2002, Biên bản ghi nhớ mở rộng hợp tác thương mại năm 2007.
Những năm gần đây, Việt Nam và Iran nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hợp tác trong bối cảnh Iran bị các nước phương Tây cấm vận. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Iran tăng liên tục trong giai đoạn 2001-2008. Tuy nhiên, sau năm 2008, Iran bị bao vây, cấm vận, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Iran giảm sút.
Đến năm 2015, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa nước đạt trên 106 triệu USD. Sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện và chính thức triển khai thỏa thuận từ ngày 16/1/2016, Liên Hợp Quốc và phương Tây dần dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran, nền kinh tế Iran đang từng bước khôi phục.
PV tổng hợp