Cho trẻ em khuyết tật được vui chơi, học tập, được giáo dục, chăm sóc
Tạo sinh kế cho gia đình trẻ khuyết tật
Em Nông Thị Hảo (8 tuổi) là con cả trong gia đình, hiện đang sinh sống tại huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng. Hảo được phát hiện mắc hội chứng Down năm 1 tuổi. Gia đình em thuộc hộ cận nghèo, chỉ có ít ruộng để cày cấy, có những ngày chẳng đủ ăn. Bố em – anh Nông Phi Hùng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy Hảo. Anh chia sẻ: “Tôi chẳng biết phải làm thế nào, cái gì cũng phải chiều theo ý Hảo. Cháu không biết nói, lúc nói được thì không rõ, lâu lâu cũng chỉ nói được một vài từ".
Khi tham gia dự án ‘Quyền học tập của em’ do ChildFund Việt Nam thực hiện, anh Hùng được biết tới mô hình sinh kế hỗ trợ cho các cha mẹ nuôi gà và lợn để cải thiện dinh dưỡng cho các con. Anh đã đăng ký nuôi gà để nâng cao chất lượng bữa ăn và cải thiện kinh tế cho gia đình. Anh nói: “Vì Hảo thích ăn gà nên tôi đã đăng ký 100 con. Tôi tính nuôi để gia đình ăn dần, hoặc có thể bán lấy tiền mua đồ dùng học tập cho cháu”. Dự án đã hỗ trợ một phần chi phí (80%) cho các gia đình tham gia để mua gà giống và giúp cung cấp thức ăn cho gà trong 20 ngày đầu tiên.
Nông Thị Hảo bên bố và bà. |
Năm nay, anh Hùng tiếp tục đăng ký tham gia mô hình này và được hướng dẫn để chăn nuôi gà tốt hơn. “Tôi thắp điện sáng ấm cho gà và cho uống thuốc phòng dịch cẩn thận. Tôi cũng đã đun nước lá ổi để cho gà uống. Gà đang phát triển tốt, lớn nhanh khỏe mạnh. Hảo cũng thi thoảng cho gà ăn cám, chơi với gà. Hảo mong gà lớn lắm!” anh vui vẻ chia sẻ.
Tham gia vào dự án, anh Hùng và vợ cũng có thêm cơ hội để chia sẻ với các gia đình có người khuyết tật về các lợi ích và những nguồn hỗ trợ cho người khuyết tật. Gia đình Hảo cũng từ đó biết thêm cách hướng dẫn con tự vệ sinh cá nhân và thực hiện các hoạt động hàng ngày như đánh răng, chải đầu, mặc quần áo. “Hảo giờ biết nghe lời bố mẹ. Đánh răng, mặc quần áo, chải đầu, giờ Hảo biết tự làm rồi.”
Bé Hảo học cùng các bạn. |
Anh Hùng cũng tự nhận thấy mình trở nên kiên nhẫn hơn với con, dành nhiều thời gian hơn để đưa các con đi chơi xung quanh làng xóm. Anh và các cha mẹ trẻ khuyết tật khác giờ đây có thể cởi mở trao đổi với cán bộ xã hay thầy, cô giáo để các con có thể được hưởng các quyền lợi và học tập tốt hơn. Anh cho biết: “Trước đây, Hảo chỉ gọi được tên đúng một bạn cùng làng ở trên lớp, thế nhưng hiện tại cháu đã có thể nói chuyện với cô giáo và các bạn. Khi tham gia dự án, con mình nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cô giáo cũng như các thành viên của tổ dự án”.
Ước mơ của bố Hảo cũng rất giản đơn. Anh tâm sự: “Con sinh ra đã thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, vậy nên gia đình mong sao cho con được khoẻ mạnh, không bị ốm đau, không bị mọi người chê bai và xa lánh”.
Hướng tới hỗ trợ 3.035 trẻ
Dự án “Quyền học tập của em - Pha 1” do ChildFund Việt Nam thực hiện được triển khai ở huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) và huyện Na Rì (Bắc Kạn). Từ tháng 9/2019 đến tháng 6/2022, có 82 trẻ khuyết tật của 2 huyện được khám tầm soát khuyết tật và tư vấn cho cha mẹ; có 4 nhóm cha mẹ được thành lập để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy trẻ khuyết tật; 80 cha mẹ được nâng cao nhận thức về hỗ trợ con rèn luyện kỹ năng sống; 29 trường học được hỗ trợ áp dụng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; gần 300 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non, tiểu học được nâng cao năng lực về lập kế hoạch giáo dục cá nhân và phương pháp dạy học đặc thù cho trẻ khuyết tật.
Triển khai xây dựng 158 kế hoạch giáo dục cá nhân với trên 3.600 tiết học can thiệp; hỗ trợ xây dựng 4 phòng học giáo dục hòa nhập, trang bị các thiết bị hỗ trợ dạy học trẻ khuyết tật; thành lập và vận hành 1 hội người khuyết tật ở Na Rì, 1 nhóm tự lực ở Quảng Hòa; triển khai 6 đợt hỗ trợ mô hình sinh kế nuôi gà và nuôi lợn cho 45 hộ gia đình có trẻ khuyết tật để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ…
Được biết Dự án "Quyền học tập của em - Pha 2" đang tiếp tục được thực hiện tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn từ năm 2023 đến năm 2026 với tổng vốn kinh phí là hơn 10 tỷ đồng.
Dự án với mục tiêu chủ yếu tập trung hỗ trợ 3.035 trẻ trong đó 1.210 em trai và 1.160 em gái nhằm tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật được vui chơi, học tập, được giáo dục, chăm sóc và tự tin hòa nhập cộng đồng.
Cụ thể: Hội Người Khuyết tật và Nhóm tự lực hoạt động tích cực và hiệu quả nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền của người khuyết tật. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ và các thành viên cộng đồng sử dụng các kỹ năng được tập huấn và nguồn lực để chăm sóc trẻ tích cực, phù hợp, hỗ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận giáo dục và các dịch vụ công khác. Các phương pháp giáo dục hòa nhập được thực hiện hiệu quả trong các trường học, các cộng đồng chủ đích và những phương pháp này được củng cố, nhân rộng cấp tỉnh.