Cho thuê ván trượt ở đồi cát: Nghề mưu sinh cực nhọc ở miền nắng lửa
Những dáng tóc dài trên triền cát cháy
Những người phụ nữ ôm ván trượt cho thuê trên đồi cát |
Cất tạm ván trượt trong bỏng rát khi nắng đã chiếu thẳng đỉnh đầu, mấy người phụ nữ túm tụm với nhau ngồi trong bóng cây. Dẫu có mát một chút, nhưng cái nắng của miền hoang mạc trên đồi cát bay Mũi Né (phường Mũi Né, TP Phan Thiết) vẫn cứ rào rạt như nung.
Nắng nung gió, nung cháy da người. Thế nhưng những người phụ nữ và cả đám trẻ con mắt cứ mở to hướng về con đường, nơi nguồn sống của họ sẽ xuất hiện. Hơn 15 năm nay, nghề cho thuê ván trượt cát đã trở thành một nghề kiếm cơm cho nhiều phụ nữ và trẻ em ở đây. Ngày nào cũng vậy, những dáng tóc dài tất tả dậy từ 4 giờ sáng để ra triền cát này chờ khách. Một người phụ nữ cho biết, có nhiều du khách muốn ra biển ngắm bình minh sớm, đồng thời trượt cát khi nắng chưa lên cao. Thế nên những người cho thuê ván trượt cũng phải thức dậy sớm và ra đây chờ sẵn.
Những đứa trẻ cũng có phần trong cuộc mưu sinh |
Một ngày mưu sinh của những phận đời lam lũ trên đồi cát này này cứ thế. Ngày nào đông khách, tiền cho thuê ván trượt thì được 100.000 đồng, nhưng ngày khách vắng chỉ được vài chục nghìn đồng. Ngày mưa, tất cả chấp nhận nhịn đói vì không có khách. Người phụ nữ quây vội mấy tấm ván trượt xung quanh chỗ mọi người đang ngồi để chắn cát bay bùi ngùi kể lại.
Trong câu chuyện rì rầm của những người phụ nữ, có những nỗi niềm chẳng mấy người hiểu thấu. Ở đây, gần 400 người buôn gánh bán bưng, cho thuê ván trượt là chừng ấy hoàn cảnh, chừng ấy mảnh đời giống nhau bởi cái nghèo vây bám.
Đó là câu chuyện về người chồng ra khơi đánh cá, là câu chuyện về đứa con bỏ học nửa chừng để mưu sinh đỡ đần cha mẹ, là câu chuyện về xóm làng nơi rẻo cát nghèo nàn này, hay là câu chuyện chung về nỗi cực nhọc của phận cát bay miền hoang mạc. Đa phần những người phụ nữ làm nghề cho thuê ván trượt ở đây đều nghèo, xuất thân trong những gia đình ngư dân gần với khu vực trượt cát này. Ngày ngày cha chồng giong thuyền ra biển, họ lại lên đồi cát mang ván cho thuê, để rồi sau đó họ lại tất tả về nhà lo cho gia đình, chờ những chuyến biển dài ngày của cánh đàn ông trong gia đình về mang theo tôm cá của biển cả.
Ở đồi cát này, mọi người chẳng lạ gì hoàn cảnh của những người phụ nữ như bà Nguyễn Thị Chánh bị u vú, nhưng hoàn cảnh khó khăn không có tiền mổ nên thường xuyên ngất xỉu vì cơn đau hành hạ giữa cái nắng ghê người. Hay hoàn cảnh của cụ già Võ Thị Lại đã ngoài 70 tuổi vẫn hằng ngày rong ruổi ở khu vực đồi cát mưu sinh.
Nghề biển buôn gánh bán bưng, đâu có đủ sức khỏe để theo với người ta được. Với những miếng ván trượt này, dù có vất vả nhưng cũng nhẹ nhàng hơn. Nhiều người dù mang trong mình những căn bệnh khó nói, nhưng vẫn cố gắng mỗi ngày ra bờ cát này để mưu sinh. Với họ, không chỉ đơn thuần là công việc, ở đó, họ còn có những người phụ nữ ngày ngày chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau dưới nắng hoang mạc.
Khóc cười mưu sinh trong nắng lửa
Chiếc xe chở khách du lịch dừng lại, vài người bước xuống xe, ngay lập tức những người phụ nữ và đám trẻ con chạy ào tới, trên tay là mấy mảnh ván trượt cát đã cong vênh vì nắng gió. Những đứa trẻ liên miệng mời chào: “Trượt cát đi cô chú. Lên cái đồi đằng kia, con bày cho cô chú trượt”…
Những người cho thuê ván trượt trên đồi cát này ngày ngày phải đối mặt với muôn vàn khó khăn cực nhọc. Cực vì phải suốt ngày phơi mình ngoài nắng trong nền nhiệt hơn 40 độ, cực vì nắng mưa thất thường đã làm cho nhiều người liên tục đổ bệnh. Rồi những khi trời nổi gió cát quất rát vào mặt, cát chui vào mắt, xộc vào mũi vào miệng. Ngay cả trong những bữa ăn vội vàng dưới bóng cây vẫn bỏng rát, họ nhai cơm và nhai cả cát trong miệng.
Ngày qua ngày, những người phụ nữ cặm cụi với ván trượt của mình |
Thi thoảng, giữa câu chuyện đang dang dở của họ xen vào là tiếng la thất thanh khi có người ngất xỉu vì bị say nắng. Mọi người lại bật dậy chạy tới. Dường như đã quen thuộc cảnh này, người nhanh chóng lấy dầu gió xoa, người lấy nước và thuốc cho uống, rồi cùng nhau khiêng vào bóng cây mát để chăm.
Cảnh ấy, như chị Phạm Thị Hằng (42 tuổi), người có thâm niên gần 8 năm cho thuê ván trượt ở đây bảo rằng là chuyện thường. Bởi đứng giữa trưa nắng trên đồi cát này, phải vô cùng dẻo dai mới trụ lại được. Còn không, một tháng cũng đôi lần say nắng mà ngã vật ra giữa đồi cát là chuyện bình thường. Những lúc ấy, có người trông thấy thì tới cứu, còn không thì vô cùng nguy hiểm.
Và dường như một luật bất thành văn với những người cho thuê ván trượt ở đây, họ luôn để mắt đến nhau. Không phải vì tranh giành hay ghen tị, mà họ sợ “vắng” đi một ai đó, sẽ chẳng thể nào cứu kịp. Nhất là trong cơn nắng bỏng ra trên cồn cát hoang mạc này. Với những phụ nữ trên đồi cát, họ xem nhau như người trong gia đình, sẻ chia ngọt bùi và cả đắng cay với nhau, cùng nhau làm lụng, cùng nương nhau mà sống từng ngày.
Khách du lịch đến trượt cát trên đồi, thì những người cho thuê ván trượt ở đây có thêm thu nhập |
Trưa trên miền cát cháy, nắng như đổ lửa kèm theo gió rít từng chặp. Những bước chân du khách rảo bước trên đồi cát như giẫm lên đống than bỏng cháy. Cả không gian nhuốm vị sượng của cát, vị tanh nồng của biển và phảng phất vị mặn của những giọt mồ hôi. Vẫn có những đứa trẻ chân trần trên cát, chúng lăng xăng hướng dẫn từng vị khách cách trượt cát, rồi lại cặm cụi thu gom ván trượt. Chúng đa phần thất học, không phải vì không được cha mẹ cho đến trường, mà bởi gánh nặng áo cơm đã sớm hằn lên đôi vai nhỏ.
Làm việc giữa hoang mạc trong thời tiết nắng nóng khiến không ít người bị xỉu vì say nắng |
Nỗi cực nhọc vì phải suốt ngày phơi mình ngoài nắng đã làm cho đám trẻ liên tục đổ bệnh, hay "tai nạn nghề nghiệp". Trường hợp cậu bé Nam từng bị gãy tay khi cùng khách trượt cát như là câu chuyện điển hình về công việc này của đám trẻ. Lần đó, một du khách nước ngoài hào hứng muốn trượt cát, Nam làm người hướng dẫn và ngồi trượt cùng khách, thế nhưng được nửa chừng thì cả cậu bé và khách cùng ngã, bị người khách đè lên, Nam gãy tay và phải nghỉ gần nửa năm mới quay trở lại đồi cát này.
Dù khó khăn là vậy, nhưng những đứa trẻ luôn được giáo dục về lòng tự trọng. Vất vả nhưng đứa trẻ nào cũng ngoan, không bao giờ xảy ra tình trạng móc túi, ăn cắp vặt. Có những khi du khách làm rớt tiền hay vật giá trị, tụi nhỏ nhặt được là tìm trả ngay.
Trò chuyện với chúng tôi, một cậu bé tên Bình nhanh nhảu kể, gia đình có cha đi biển vắng nhà nhiều ngày, mẹ ở nhà bị bệnh nên không thể làm được việc nặng. Bình mon men ra đồi cát cho thuê ván trượt cùng những đứa trẻ cùng lứa kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ. Bình học lớp 8, là một trong số ít những đứa trẻ còn đi học và tranh thủ đi làm thêm công việc này. Chỉ tay về những đứa trẻ đang túa ra cho khách thuê ván trượt, Bình bảo trong số đó nhiều bạn không được đi học do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Rồi những khi trời nổi gió, cát quất rát mặt, cát chui vào mắt, xộc vào mũi vào miệng. Hay những bữa cơm trong nắng nung lửa, họ nhai cơm và cát lạo xạo trong miệng.
Cuối ngày, những bóng hồng lại liêu xiêu bước trên miền hoang mạc cát bay |
Chiều vơi nắng trên đồi cát, cái nóng dịu hơn, khách du lịch cũng dần rời đi trên những chuyến xe về miền hoa lệ, thì những người mưu sinh cũng uể oải thu dọn đồ đạc về nghỉ ngơi. Trong bước chân trần của những người phụ nữ và đám trẻ, có những bước chân lặc lè ván trượt, có những bước chân đau đớn vì bệnh tật kéo dài thành vệt trên cát lặng lẽ về những xóm chài nghèo bên bờ biển.
Đồi cát bay về chiều đã lặng gió, như thấy có hạt cát vừa bay vào mắt, xốn xang…