Chính sách tiền tệ đã góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô
-Ông có thể tóm lược một cách ngắn gọn về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng 6 tháng đầu năm 2023?
-Trong 6 tháng đầu năm 2023, chính sách tiền tệ đã được NHNN điều hành chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, qua đó duy trì sự ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối và duy trì mặt bằng lãi suất, tỷ giá hối đoái ở mức hợp lý, góp phần kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú |
-Có ý kiến cho rằng, trong những tháng đầu năm việc điều hành lãi suất của NHNN có phần chưa phù hợp do lo ngại về lạm phát. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
-Trong 6 tháng đầu năm 2023, NHNN là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-1,5%/năm trong tháng 3, tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2023, trong khi lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dưới tác động cộng hưởng của sức cầu yếu trong nước và tình hình giá một số hàng hóa, dịch vụ có xu hướng giảm, đặc biệt là giá xăng dầu thế giới, lạm phát và lạm phát cơ bản trong nước liên tục tăng chậm lại. Tuy nhiên, mặt bằng lạm phát cơ bản so với cùng kỳ hiện nay vẫn đang ở mức rất cao so với diễn biến trong lịch sử (kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố lạm phát cơ bản năm 2016, lạm phát cơ bản lần đầu tiên tăng trên 4% từ tháng 10/2022 và kéo dài tới nay) do sự gia tăng dai dẳng của mặt bằng giá cả và là dấu hiệu cảnh báo trong việc điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.
Hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro gia tăng lạm phát trong nước như sau: (i) Áp lực tăng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý (điện, nước, y tế, giáo dục); (ii) Lương cơ bản dự kiến tăng (kể từ 1/7/2023) sẽ làm tăng tổng cầu thông qua chi tiêu và đầu tư của hộ gia đình; (iii) Diễn biến xung đột chính trị - quân sự tại một số quốc gia, khu vực có thể gia tăng trở lại, làm gia tăng rủi ro đối với giá các mặt hàng năng lượng (xăng dầu, chất đốt) và nguyên, vật liệu khác; (iv) Giá lương thực, thực phẩm tiềm ẩn rủi ro tăng do diễn biến thời tiết, dịch bệnh khó lường, cùng với nhu cầu trong nước và Trung Quốc tăng, trong khi giá các yếu tố đầu vào (phân bón, thức ăn chăn nuôi…) vẫn ở mức cao; (v) sản xuất của nền kinh tế suy yếu, có thể gây ra thiếu cung, giá một số mặt hàng có thể tăng.
Như vậy, dù hiện nay lạm phát tổng thể có khả năng được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu 4,5% nhưng không thể chủ quan khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao và còn nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro làm gia tăng lạm phát trở lại.
PV. Xin ông cho biết về kết quả thực hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay của Quốc hội, Chính phủ?
Trả lời: Thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, bên cạnh việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, NHNN đã thực hiện hiện đồng bộ nhiều giải pháp điều hành nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân, như: (i) cung ứng một lượng tiền lớn cho nền kinh tế thông qua nghiệp vụ thị trường mở, mua ngoại tệ và cho vay hỗ trợ thanh khoản; (ii) Khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí; (iii) đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi và cho vay… Nhờ đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã có xu hướng giảm rõ rệt (hiện nay, lãi suất tiền gửi bình quân khoảng 5,5 - 5,7%/năm, lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5 - 8,7%/năm, giảm 1,2%/năm so với cuối năm 2022) và với tác động của độ trễ chính sách, dự báo mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, tốc độ giảm còn chậm trong thời gian vừa qua do một số nguyên nhân chủ yếu, như:
- Nợ xấu có xu hướng tăng dẫn đến chi phí hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng tăng;
- Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn tức là tổ chức tín dụng chưa thu nợ khi đến hạn trong khi tổ chức tín dụng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất.
- Mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục gia tăng và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất và neo giữ ở mức cao.
Mặt bằng lãi suất được nhận định là sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới |
- Thị trường vốn chưa hồi phục sau tác động của một số vụ việc, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%[1]), ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VNĐ của hệ thống là trung dài hạn).
- Cuối năm 2022 lãi suất huy động và cho vay trong nước đều tăng khá cao. Các NHTM sẽ phải trả lãi suất huy động ở mức cao đối với các khoản huy động tại thời điểm này đến hết kỳ hạn huy động, làm ảnh hưởng và tạo độ trễ đến việc giảm lãi suất cho vay tại thời điểm hiện nay của các NHTM.
Mặc dù vậy, hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất cụ thể và quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai nhiều giải pháp, kể cả trực tiếp và gián tiếp, để định hướng, điều chỉnh lãi suất thị trường giảm xuống mức kỳ vọng, phù hợp với diễn biến vĩ mô và cung cầu vốn, vừa hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vừa đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD thông qua việc duy trì năng lực tài chính và chất lượng tín dụng.
-Xin ông cho biết về tình hình và kết quả triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ
-Trước diễn biến kinh tế thế giới, tình hình phát triển kinh tế xã hội trong nước ba tháng đầu năm 2023 và các khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP, ngày 23/4/2023, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đồng thời, ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Đến cuối tháng 5/2023, có 36 TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 2.204 khách hàng với dư nợ gốc, lãi được cơ cấu là khoảng 15.463 tỷ đồng.
Có thể nói, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 1 năm theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN đã trực tiếp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, chưa trả được nợ vay ngân hàng có thể kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Đây là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân rất thiết thực và được kế thừa từ chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được NHNN ban hành ngày 13/3/2020.
-Thưa ông, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn, cũng là doanh nghiệp chỉ có khác biệt là kinh doanh tiền tệ, các ngân hàng nên có cách tiếp cận với khách hàng thế nào trong thời điểm này?
-Quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới hoạt động hiệu quả; doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng cũng sẽ rất khó khăn do chất lượng tín dụng giảm, nợ xấu gia tăng. Vì vậy, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng đồng hành, chia sẻ và cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc xem xét miễn, giảm lãi vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ… là rất cần thiết lúc này.
Thực tế, các ngân hàng đã nhận thức rất rõ và làm rất tốt vai trò này trong các giai đoạn doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn trước đây, điển hình là trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Hiện nay, các ngân hàng cũng đang rất tích cực triển khai chủ trương cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và Chỉ thị số 02/CT-NHNN.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp và ngân hàng cần hợp tác chặt chẽ hơn, thấu hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Các doanh nghiệp thì cần nỗ lực vươn lên, đánh giá thị trường để có định hướng quyết định sản xuất kinh doanh đúng, phù hợp, hiệu quả; chủ động có các phương án tài chính phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh của mình, có trách nhiệm với các khoản vay từ các ngân hàng. Các NHTM thì cần mạnh dạn có các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục đảm bảo an toàn hoạt động, gắn hiệu quả hoạt động của ngân hàng với kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vì lợi ích hài hòa của cả ngân hàng và doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn chung hiện nay.
-Trân trọng cảm ơn ông!
[1] Tính theo GDP đánh giá lại của TCTK